Sáng tỏ giá trị văn hóa Óc Eo trong vương quốc Phù Nam

Trần Hoà | 29/03/2022, 14:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kết quả nghiên cứu đem lại cho Việt Nam thêm 2 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận năm 2021. Đồng thời, cũng làm sáng tỏ các tiêu chí xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hóa Óc Eo.

Chuỗi hạt được phát hiện ở di tích gò Óc Eo.Chuỗi hạt được phát hiện ở di tích gò Óc Eo.

Vương quốc Phù Nam từng phát triển rực rỡ trước khi bị hủy diệt vào thế kỷ thứ 7. Trong đó, nền văn hóa Óc Eo với những dấu vết vật chất là minh chứng rõ nét về một thời vàng son - một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam.

Dấu tích thị cảng trong lòng đất

Mới đây tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Óc Eo – những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017 - 2020” và công bố các kết quả nghiên cứu.

PGS.TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ nhiệm Đề án Óc Eo - khẳng định, đây là đề án khoa học quy mô lớn, được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện từ năm 2015.

Tham gia thực hiện Đề án gồm 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam, gồm: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. Đề án đi vào khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

Các nhà nghiên cứu đã thu thập tư liệu, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Các nghiên cứu cũng nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị - cũng như hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành - cho hay, sau 4 năm khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đã đạt được những kết quả đáng mừng. Các tư liệu cho thấy, Óc Eo gắn liền với đất nước - con người ở vùng Đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông, và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ. Đây là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam.

Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ 19. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê, do Louis Malleret thực hiện vào năm 1944.

Louis Malleret được biết đến là một nhà khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ. Lúc ấy, ông đang phụ trách quản thư viện Bảo tàng Sài Gòn. Khi đến xã Vọng Thê (Thoại Sơn) để khai quật dấu tích một hải cảng đã bị sụp trong lòng đất, và đã phát hiện ra dấu vết các di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo.

Vùng này phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Từ vùng ven biển Tây Nam kéo đến vùng rừng Sác duyên hải và vươn ra tận biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau)…

Phát hiện bất ngờ

PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định, khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê hội tụ đầy đủ các tiêu chí về Di sản văn hóa của nhân loại.
Các nghiên cứu cũng hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới. 

Trên cơ sở các cuộc khai quật vào năm 1944, Louis Malleret cho rằng, cánh đồng Óc Eo là một thành thị cổ và đặt tên là thành thị Óc Eo hay thị cảng Óc Eo. Thị cảng có diện tích rộng tới 450ha với một tiền cảng có tên là Tà Keo, cách Óc Eo 12 cây số về phía Tây Nam.

Vùng này không chỉ có hình ảnh của một đô thị quy củ, mà còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo - văn hóa lớn với 3 cụm quần thể kiến trúc: Linh Sơn Tự, vùng Đông Bắc núi Ba Thê và vùng Giồng Cát, Giồng Xoài.

PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, đề án nghiên cứu, khai quật kéo dài 4 năm vừa qua đã thu được kết quả to lớn. Trong đó tìm thấy 2 di vật được công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021.

Đó là phiến đá chạm hình tượng khắc Phật đang ngồi thiền được tìm thấy tại di tích Linh Sơn Bắc thuộc khu di tích Ba Thê, và chiếc nhẫn Nandin bằng vàng, thế kỷ thứ 5 được tìm thấy ở di tích gò Giồng Cát thuộc khu di tích Óc Eo.

Tại khu di tích Nền Chùa, các nhà khảo cổ có phát hiện mới về thân tượng Nữ thần Durga, và bàn tay tượng Thần Surya - vị thần Mặt trời - cho thấy dấu tích kiến trúc trên gò Nền Chùa là kiến trúc đền thờ Hindu giáo.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện tổ hợp các công trình liên quan đến đền thờ, như 2 hồ lớn cùng 2 giếng nước và “cột thiêng” của thần Shiva ở xung quanh gò Nền Chùa. Đây là phát hiện hoàn toàn mới cho thấy đền thờ Hindu giáo ở Nền Chùa có quy mô lớn, được quy hoạch xây dựng theo mô hình tôn giáo của Ấn Độ.

Nhiều loại hình di vật quý có nguồn gốc từ nước ngoài được tìm thấy ở các hố khai quật như tiền và Huy chương Vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán… đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ.

Đặc biệt, phát hiện mới về đồ gốm đến từ Đế chế La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Á cho thấy, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam. Đồng thời còn có mối quan hệ giao thương rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á… thông qua con đường hải thương quốc tế.

Bài liên quan
Công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VH-TT&DL đã ban hành các Quyết định về việc công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng tỏ giá trị văn hóa Óc Eo trong vương quốc Phù Nam