Sắp ban hành Thông tư quy định đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS

Ngô Chuyên | 20/12/2022, 15:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 25/10 đến ngày 25/12/2022, Bộ GD& ĐT lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS.

Dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số (Thông tư 36).

Chú trọng điều kiện đảm bảo chất lượng và đánh giá toàn diện người học

Về phạm vi, đối tượng, Dự thảo Thông tư mới quy định việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS); bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quy định này cũng áp dụng đối với các trường đại học sư phạm, trường đại học có khoa sư phạm, trường cao đẳng có khoa sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tham gia đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (sau đây gọi là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số), giảng viên, giáo viên, học viên, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Dự thảo Thông tư lưu ý, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ phải được thực hiện đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đảm bảo chất lượng, quyền và nghĩa vụ của giảng viên, giáo viên, học viên. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thống nhất theo phân cấp quản lý và theo quy chế tổ chức hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tuân thủ các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá, cấp chứng chỉ và các chính sách theo quy định hiện hành.

Dự thảo mới bổ sung và nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về số lượng và trình độ đội ngũ giáo viên; chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, phòng chức năng, phòng thực hành, các thiết bị…

So với Thông tư 36, dự thảo Thông tư mới bổ sung các quy định đối với người được tuyển sinh; hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo tập trung lớp đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức tập trung, bán tập trung, trực tuyến và từ xa.

Về kiểm tra, đánh giá, thay vì quy định chi tiết về nội dung, yêu cầu và thời lượng kiểm tra, dự thảo Thông tư mới nhấn mạnh đến việc đa dạng các công cụ kiểm tra để đánh giá toàn diện kết quả học tập của học viên; các hình thức kiểm tra xuyên suốt quá trình học gồm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối khóa.

Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các trường xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo

Để các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thống nhất theo phân cấp quản lý, Dự thảo Thông tư mới dành một Chương để quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Trong đó, Bộ GDĐT xem xét, chấp thuận hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với các trường đại học sư phạm, trường đại học có khoa sư phạm, trường cao đẳng có khoa sư phạm.

Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thẩm định và cho phép ban hành các chương trình chi tiết, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số của các địa phương và các cơ sở bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và các địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ban hành kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương. Đồng thời, lựa chọn các thứ tiếng dân tộc thiểu số cần bồi dưỡng ở địa phương và ban hành các chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng là cơ quan giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục trong phạm vi tỉnh quản lý thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với các trường đại học sư phạm, trường đại học có khoa sư phạm, trường cao đẳng có khoa sư phạm để đề xuất nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Các cơ sở bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cần báo cáo các cơ quan quản lý theo phân cấp quản lý xem xét chấp thuận, giao nhiệm vụ việc tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cơ sở bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cần xây dựng các điều kiện đảm bảo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện hoạt động bồi dưỡng theo kế hoạch, đúng tiến độ và có chất lượng.

Đối với học viên, dự thảo Thông tư quy định rõ về quyền và trách nhiệm. Học viên được chọn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, hình thức học, địa điểm học, thời gian học phù hợp với khả năng, điều kiện bản thân. Học viên được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập của mình, cũng như được hỗ trợ kinh phí học tập theo các chính sách hiện hành (nếu có). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng, học viên được cấp chứng chỉ.

Về trách nhiệm, học viên cần chấp hành nội quy trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện đầy đủ yêu cầu và hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Bên cạnh thực hiện đóng học phí theo quy định, học viên cần chú ý công tác báo cáo đơn vị chủ quản về việc tham gia và hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp ban hành Thông tư quy định đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng DTTS