Thời sự

Sạp báo giấy vắng đâu?

21/06/2024 09:20

Những sạp báo giấy ở Hà Nội nay còn được bao nhiêu?

Ai còn nhớ, còn mong sớm mai chạy bộ ra đó để thảnh thơi ngồi vỉa hè, uống trà rồi sột soạt với những trang báo thơm mùi giấy mực?

Hết rồi, quầy báo bưu điện?

Ngày cuối tuần ghé Bưu điện Hà Nội (hay còn gọi Bưu điện Bờ Hồ) dự sự kiện tác giả Hoàng Nam Tiến giao lưu với độc giả nhân cuốn “Thư cho em” của ông được tái bản lần thứ 4 mà lòng không khỏi bâng khuâng.

Ấy là, muốn kiếm tìm quầy báo giấy ở đây nhưng sao nay vắng bóng. Thế vào chỗ đó là bàn đóng dấu bưu điện, dán tem thư vào cuốn sách, các hiện vật của sự kiện. Dù nhộn nhịp những gương mặt trẻ nhưng chẳng ai có ý niệm nào về quầy báo giấy khá lớn, gần như đủ các đầu báo từng hiện diện chốn này.

Vỉa hè số 71 Hàng Trống (Hoàn Kiếm) vốn có cả dãy sạp báo, cũng được coi là nơi có đầy đủ các đầu báo nhất.

Mấy năm trước chốn này nhộn nhịp người mua nhưng giờ đây chỉ còn lại vỉa hè thông thoáng, vắng lặng.

Hỏi thăm thì được chỉ đi ngược lên phía phố Hàng Bông, để ý ở số 1 Hàng Trống sẽ gặp sạp bán báo duy nhất.

Khi hỏi về những sạp báo ở 71 Hàng Trống năm xưa, anh chủ sạp chùng giọng: “Mọi người nghỉ hết rồi. Bán báo ở đó cũng được hơn 30 năm nên dù khách vắng tôi vẫn gắng thêm ngày nào hay ngày đó”.

Ngơ ngác cất lời hỏi thăm một số người mặc đồng phục áo dài vàng có dáng vẻ là người của bưu điện đang bận mải cộp dấu đều tay song phần lớn chỉ nhận được cái lắc đầu cùng ánh mắt ngác ngơ theo, như thể chẳng hiểu vì sao bây giờ vẫn có người hỏi về điều... không tưởng ấy.

Cũng vì, chỉ cần điện thoại thông minh và lướt là đọc được đủ loại thông tin chứ sao phải đi tận lên Bờ Hồ mà mua báo giấy về đọc kia chứ?

Đành quay ra và cố nán níu hỏi thêm người phụ nữ trung niên cũng mặc đồng phục của bưu điện nhưng không phải áo dài mà là sơ mi vàng, đang kéo cửa bước từ sảnh vào, dẫu lòng chẳng mong đợi sẽ có được thông tin khả dĩ hơn. Nhưng chị ấy đã dừng lại, tay vừa giữ cửa vừa trò chuyện với ánh mắt thông cảm: “Quầy bán báo đã dừng từ lâu rồi, dễ chừng cũng được vài ba năm. Tôi nhớ không nhầm là từ năm xảy ra dịch Covid-19. Hồi ấy do dịch bệnh phải cách ly, còn ai có tâm trí đến mua báo được nữa. Nhưng khi đẩy lùi được dịch bệnh thì quầy báo cũng theo đà đó mà đóng cửa luôn. Bây giờ người ta đọc báo trên điện thoại chứ có mấy ai đọc báo giấy nữa. Có bán còn mấy ai mua?”.

Thực ra, trong sự buồn, lòng đã thầm mừng reo khi vẫn có thể gặp được người còn nhớ và xác nhận rằng nơi đây từng có một quầy bán báo, là điểm hẹn một thời đầy tin cậy của những ai muốn tìm cho mình những tờ báo giấy để thư thả nhâm nhi từng con chữ bên tách café buổi sáng. Hoặc như, với những người muốn kiếm tìm tờ báo yêu thích có chuyên ngành về thế sự, văn hóa, thể thao, sức khỏe, giáo dục… thì cứ đến đây là dễ dàng có được.

Vẫn còn đó ký ức của gần 10 năm trước, sau những hối hả ghé hết các sạp báo ở Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình… mà chẳng thể tìm được tờ báo mong muốn thì điểm tìm cuối cùng luôn là Bưu điện Hà Nội. Dù phải gửi xe bên Đinh Lễ rồi cuốc bộ vài trăm mét mới tới mà lòng vẫn thấy khấp khởi.

Quầy báo nằm ngay lối bước vào bên tay phải, có cô trông quầy luôn nhẹ nhàng, vui vẻ. Khách đến hoặc có thể tự tay chọn hoặc nhờ cô ấy lấy giúp cùng những lời trò chuyện về tin tức buổi sớm trong không gian kiến trúc tân cổ điển và Art Deco có tuổi đời cả trăm năm, thơ mộng, trong lành. Điểm đến cuối đầy tin cậy và lãng mạn như thế hỏi giờ đây vắng đâu?

Cũng là một điểm bưu điện từng bán khá nhiều đầu báo giấy phục vụ độc giả phía Tây Hà Nội - con ngõ từ đường Khuất Duy Tiến đi vào khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) nhưng nay thế vào đó là nơi bán vé xổ số.

Chị phụ trách điểm bưu điện này rất xởi lởi, vui tính và chăm đọc báo cũng chẳng thể gặp. Cách đây chừng bảy, tám năm bất chợt thấy sạp báo được trưng ngay phía ngoài cửa và ghé qua. Đáp lại ánh nhìn có ý thắc mắc: “Sao trước đó không thấy?”, chị lý giải: “Ngày trước đông khách thân quen cứ tới là biết họ cần mua báo gì, để phía trong vẫn bán hết. Giờ vắng khách nên phải bày ra ngoài để mọi người thấy còn mua”.

Ngày đó, vừa kẹp ghim đưa báo cho khách chị vừa kể, vì kết hợp cả với việc của bưu điện nên cái quầy báo này khiến chị thêm bận mà chỉ thu được vài bạc lẻ. Vậy nhưng, chị vẫn muốn duy trì vì: “Lúc rảnh là tôi mang báo ra đọc vừa cập nhật tin tức vừa nâng cao hiểu biết. Chỉ lo là không biết niềm vui nhỏ nhoi này còn có thể duy trì được bao lâu nữa đây?”. Thật tiếc khi mối lo ấy của chị đã sớm đến…

Hai độc giả thân thiết của chị Oanh. Ảnh: Bình Thanh.
Hai độc giả thân thiết của chị Oanh. Ảnh: Bình Thanh.
Quầy báo ở Bưu điện Hà Nội nay không còn nữa. Ảnh: Bình Thanh.
Quầy báo ở Bưu điện Hà Nội nay không còn nữa. Ảnh: Bình Thanh.
Trên phố Giảng Võ giờ chỉ còn sạp báo nhỏ nhoi của cửa hàng ghi biển Mobifone. Ảnh: Bình Thanh.
Trên phố Giảng Võ giờ chỉ còn sạp báo nhỏ nhoi của cửa hàng ghi biển Mobifone. Ảnh: Bình Thanh.

Có thể chỉ đến… hôm mai!

Lúc ở Bưu điện Hà Nội, ngó chừng cái vẻ mặt đầy luyến tiếc của khách, chị nhân viên dù đã quẩy quả kéo cánh cửa bước vào phía trong vẫn quay ra dặn với: “À, em có thể sang Phan Huy Chú – chỗ Thông tấn xã Việt Nam ấy, còn sạp báo giấy. Ở đó chỉ bán buổi sáng mà giờ đang là chiều”.

Đầu tuần tìm đến phố Phan Huy Chú (Hoàn Kiếm) khi bóng nắng sắp sửa tròn, hai ông lão đang ở đó đọc những trang báo lấy từ sạp nho nhỏ, đặt trên vỉa hè số 11 của con phố. Phía bên, chị Oanh - chủ sạp báo đón khách cùng nụ cười duyên dáng.

Chị kể, tính đến nay, sạp báo này bày bán ở đây được 30 năm, từ đầu những năm 1990, lúc chị mới ngoài tuổi 20 và giờ thì đã sang U60.

Bất kể nắng mưa, sớm nào chị cũng đi từ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) đến 11 Phan Huy Chú trước 5 giờ 30 phút và đóng cửa sạp khoảng 11 giờ 30 phút. Dù không phải là nhân viên công sở nhưng chị luôn giữ nghiêm “quy chế” đúng giờ. Cũng vì, hôm nào trễ một chút là nhiều độc giả đi thể dục qua đợi sẵn, rồi nóng lòng “phê bình”: “Sao đến muộn thế”.

Ngoài bán cho độc giả vãng lai, nhiều người thân quen mấy chục năm qua vẫn đặt báo bằng điện thoại rồi qua lấy. Có cụ đến đây vừa đọc báo vừa câu chuyện, câu trò cả buổi. Có cụ chân yếu, mắt mờ thì sai con cháu tới nhận báo.

Nhớ về những năm đầu mở sạp, chị Oanh kể: Hồi chưa có Internet, báo in bán “sướng tay” còn bây giờ thì không bằng một phần. Mà không cần so sánh quãng xa như thế, chỉ cần nhìn năm ngoái với năm nay đã thấy số lượng mua giảm đến cả nửa.

Ngày trước có cả người già, người trẻ nhưng giờ chỉ là các bậc cao niên. Ngày trước báo ế được trả lại còn giờ thì đặt bao nhiêu là thanh toán bấy nhiêu, bán được hay không là việc của chủ quầy.

“Dẫu vậy, tôi vẫn mở sạp đều, không phải vì lời lãi gì (thậm chí nhiều khi còn lỗ vốn) mà vì niềm vui từ tuổi thanh xuân. Cũng may là điều kiện kinh tế gia đình ổn định và được ông xã ủng hộ thì tôi mới có thể thư thả ngồi đây suốt 30 năm như vậy. Vắng khách thế này, tôi cũng không biết sẽ duy trì sạp báo đến khi nào nữa, có thể chỉ đến… hôm mai!”, chị bày tỏ.

Cuộn tờ báo gọn ghẽ và đặt vào giỏ xe đạp, ông Trình (ngoài 80 tuổi) bảo: “Hết giờ đọc báo rồi, tôi về để cô ấy còn dọn hàng (11 giờ)”. Nhà ông cũng ở Ngã Tư Sở nên mất chừng gần một giờ đồng hồ đủng đỉnh đạp xe vượt qua gần 8km để đến đây.

Thực ra, ngày trước, ông mua báo ở gần nhà nhưng sau dịch Covid-19 các sạp đó không bán nữa. Năm trước, ông tình cờ gặp cô Oanh (hóa ra hai nhà gần nhau) và biết cô ấy có sạp báo ở Phan Huy Chú nên sáng nào cũng đạp xe đến đọc báo cả buổi, lúc về thì mua một tờ.

Cái thói quen đọc báo giấy ấy của ông Trình không phải đến khi nghỉ hưu rảnh rang thì mới bắt đầu mà nó hình thành ngay từ lúc trai trẻ. Ngày đó, sớm nào anh công nhân tên Trình cũng đạp xe qua các sạp chọn mua một tờ báo rồi vội vã mang vào xưởng đọc lúc giải lao.

“Vì thế, tôi thấy mình không bị lạc hậu với thời cuộc. Đọc nhiều thành quen, thành “nghiện”, hôm nào không có báo là cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Giờ thanh niên đọc báo qua điện thoại thông minh hoặc họ quan tâm đến Zalo, Facebook, TikTok… là chính chứ còn ai đọc báo giấy như chúng tôi nữa đâu. Hết thế hệ các cụ phụ lão đầu bạc phơ còn giữ thói quen đọc báo giấy này, chừng mươi năm nữa thì các sạp báo không biết mở để bán cho ai. Như cô Oanh đây có buồn không?”, ông Trình vừa nói vừa hướng ánh mắt tới chủ sạp báo.

“Cuộc sống sẽ luôn có những biến đổi - điều mới xuất hiện và điều cũ không còn nữa. Vì vậy, dù có bâng khuâng, luyến nhớ nhưng cháu vẫn vui với mỗi sáng được đón các bác đến đây mua, đọc báo”, chị Oanh vừa dọn hàng vừa hiền hậu đáp lời.

Ngoài sạp báo “trụ” trên phố Phan Huy Chú, ở Hà Nội còn một vài điểm bán nhỏ lẻ như ngã tư phố Nguyễn Chí Thanh và Huỳnh Thúc Kháng kéo dài hay trên phố Giảng Võ, đoạn gần ngã ba phố Núi Trúc. Thực ra, chừng dăm bảy năm trước trên đoạn phố Giảng Võ này có đến 3 – 4 sạp báo bày ra tận vỉa hè thành dãy. Mỗi sáng có nhiều người ghé tới mua báo khá tấp nập. Vậy nhưng, khoảng từ 2019 trở lại đây chỉ còn một sạp và thu gọn trong cái bàn nhỏ nép bên phải của quán bán sim số điện thoại di động, phải để ý kỹ mới thấy.

Ngoài ra, chéo quầy báo bưu điện ở con ngõ trên phố Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) cũng còn một sạp báo khá rộng dạng bán mái nhô ra khoảng đất trống với mái lợp tạm và những thanh gỗ ghép lại, kê cao. Để che bụi bặm, mưa gió, chị chủ sạp phủ tấm nilong trắng lên những tờ báo (thực ra phần nhiều là tạp chí). Phía góc trong ngày trước kê cao bằng với sạp nay được cắt bỏ và đặt vào đó chiếc máy khâu. “Khách đến mua báo vắng, thu nhập chẳng được bao nên tôi tranh thủ nhận sửa quần áo kiếm thêm. Sạp báo bày đó cho… đẹp là chính”, chị chủ sạp ngậm ngùi.

Trên phố Thợ Nhuộm, điểm giao ngã 5 với Lý Thường Kiệt, Hỏa Lò mấy năm trước có sạp báo bền bỉ nép ven bức tường cũ kỹ. Chủ quầy là bà Lịch rất chăm bày, treo báo chạy dài theo bờ tường. Dừng đèn xanh, đèn đỏ có thể kịp mua tờ báo ngày mới xuất bản hay tranh thủ ngắm những tờ tạp chí có bìa khá hấp dẫn. Vậy nhưng giờ cũng không còn nữa và bức tường cũ rêu cũng đã bị phá bỏ, thế vào đó là bức tường của tòa nhà mới xây. Ghé vào thắc mắc chắc tại tòa nhà mới kia mà bà Lịch không được bán nữa chăng thì người đàn ông lắc đầu bảo: “Không phải đâu, vì không ai mua nên bà ấy nghỉ”.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạp báo giấy vắng đâu?