Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, toàn bộ giáo viên tổ Hóa học của Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cử đi tập huấn nội dung dạy - học hoạt động trải nghiệm. Ngoài 1 giáo viên kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng, 1 giáo viên kiêm nhiệm làm Phó Bí thư Đoàn trường, số giáo viên còn lại của tổ Hóa sẽ được phân công làm giáo viên chủ nhiệm.
Cô Trần Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - chia sẻ: “Trong phân công nhiệm vụ với số giáo viên không đủ định mức tiết dạy/tuần, chúng tôi chủ trương không chồng chéo và không làm khó thầy cô. Khi xây dựng các nhóm môn lựa chọn, phải tính đến yếu tố cân đối của từng bộ môn để giáo viên vẫn dạy - học với số lượng tiết nhất định, đúng với chuyên môn”. Như giáo viên dạy môn Sinh học sẽ đảm nhận thêm môn học Công nghệ (Nông nghiệp trồng trọt); giáo viên môn Vật lý dạy thêm môn Công nghệ (Công nghiệp thiết kế).
Do có chưa đến nửa số học sinh của biên chế lớp truyền thống đăng ký theo học Âm nhạc nên số tiết dạy trên thực tế của giáo viên bộ môn này tại Trường THPT Bình Sơn chỉ có 2 tiết/tuần. Thầy Phạm Thạch Sinh cho hay, nhà trường sẽ tập huấn để giáo viên bộ môn hỗ trợ Đoàn trường trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham gia tổ tư vấn tâm lý học đường… nhằm đủ định mức tiết dạy/tuần.
Tại Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) khi xây dựng nhóm môn lựa chọn, nhà trường biên chế 1 lớp nghiêng về môn Khoa học tự nhiên đơn thuần và 1 lớp nghiêng về môn Khoa học xã hội. Điều này, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thịnh, để phục vụ những học sinh xác định được môn học sở trường và nguyện vọng nghề nghiệp sau này. Với 2 lớp còn lại, các môn lựa chọn có sự xen kẽ để đảm bảo cân đối trong đội ngũ.
Hiện, Trường THPT Hướng Phùng còn thiếu 0,3 giáo viên so với nhu cầu dạy học thực tế. Vì vậy, bài toán sắp xếp đội ngũ không quá căng thẳng dù trường chỉ có 11 biên chế lớp/3 khối lớp.
Thầy Thịnh ví dụ: “Như với môn Hóa học, trường có 2 giáo viên. Nếu chỉ tính số tiết đứng lớp/tuần sẽ dôi dư nhiều. Nhưng 2 giáo viên này đều làm công tác kiêm nhiệm như giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường. Với 2 giáo viên môn Sinh học thì một người làm tổ trưởng tổ chuyên môn kiêm Ban chấp hành Công đoàn, quản lý cơ sở dữ liệu ngành nên đã giảm được 12 - 13 tiết/tuần, số tiết thực dạy chỉ còn khoảng 6 - 7 tiết”.
Ngành Giáo dục Quảng Trị đang ưu tiên giải bài toán thừa – thiếu giáo viên cục bộ bằng cách luân chuyển, biệt phái giáo viên giữa các trường. Như Trường THPT Hướng Phùng, một giáo viên Toán được biệt phái từ Trường THPT Vĩnh Định vào năm trước và năm nay tiếp tục ở lại.
Làm việc với Sở GD&ĐT Đà Nẵng về triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần rà soát để chủ động điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học.
Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ trong từng trường sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường. Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trong đội ngũ giáo viên để đáp ứng với sự dịch chuyển từ dạy đơn môn sang đa môn như hiện nay.