Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp
Thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
Nói rõ hơn về tiến độ xây dựng đề án trên, ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, nghiên cứu đề án trong suốt thời gian qua, xin ý kiến 14 cơ quan ở Trung ương, 63 tỉnh, thành ủy, tiếp thu ý kiến, giải trình đầy đủ để hoàn thiện đề án.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học
Ngày 17/11, Ban Nội chính Trung ương đã ký văn bản trình đề án này. Sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
“Theo kế hoạch, đầu tháng 12 chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua thì Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” – ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, nếu mọi việc đều thông suốt thì khả năng trong tháng 12/2022, Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định này.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng khẳng định phải chú trọng giải pháp kiểm soát quyền lực thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt hiệu quả. Bởi vì các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là những cơ quan được giao quyền lực và liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cũng như những vấn đề rất quan trọng như nhân thân, tài sản, tính mạng con người nên cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Trần Ngọc Vinh. (ảnh: Hội Luật gia Việt Nam)
Ðể phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả, theo Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Ngoài quy định xử lý kỷ luật nghiêm minh, chế tài nặng thì cũng cần nghiên cứu để cán bộ tư pháp có chế độ đãi ngộ tốt thì họ sẽ không dễ dàng đánh đổi lợi ích đang có để tham nhũng.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, một yếu tố quan trọng để hạn chế hành vi tham nhũng, tiêu cực, bị tha hóa bởi đồng tiền trong hoạt động tư pháp đó là phải tính đến câu chuyện thu nhập, đời sống của cán bộ cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án. Cùng với cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức là cải cách các quy trình, thủ tục tố tụng tư pháp, thể chế đảm bảo dân chủ, minh bạch, nghiêm minh để cán bộ không dám tham nhũng. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với cán bộ tư pháp; cơ chế thu hút, thi tuyển những người đủ đức, đủ tài vào hệ thống các cơ quan tư pháp./.