Lật giở từng cuốn truyện còn thơm mùi giấy, Thúy tỏ ra thích thú. Những cuốn truyện tranh lần đầu em được tiếp cận đã mở ra thế giới mới cho cô bé dân tộc Khơ Mú. Thúy tâm sự: Em thích đọc sách và thường đến thư viện nhà trường. Tuy nhiên, do số lượng hạn chế nên em gần như đọc và tìm hiểu hết các đầu sách tại đây.
“Em vui khi có đoàn từ thiện trao tặng tủ sách yêu thương. Em và các bạn sẽ có thêm nhiều sách, truyện mới để đọc. Em thích các truyện cổ tích Việt Nam vì hay và nhiều ý nghĩa…”, Thúy bộc bạch.
Thầy giáo Nguyễn Bình Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Trường hiện có trên 600 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc. Trong đó, hơn 400 em ở bán trú, gần 250 học sinh thuộc hộ nghèo.
Đoàn thanh niên Công an huyện Mường Chà trao tặng “Tủ sách cho em” tại Trường PTDTBT THCS Mường Mươn. |
Những năm qua, song song với công tác dạy học, nhà trường luôn xác định giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Trong đó, hoạt động đọc sách, truyện luôn được khuyến khích nhằm hướng tới mục tiêu “kép” là giáo dục và phát triển văn hóa đọc.
“Chúng tôi rất quan tâm đầu tư cho thư viện, tủ sách nhà trường. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên số lượng còn hạn chế, đầu sách chưa đa dạng. Bởi vậy, đơn vị đánh giá cao ý nghĩa từ chương trình trao tặng Tủ sách yêu thương. Qua đó san sẻ khó khăn với nhà trường, mang lại món quà ý nghĩa cho học sinh”, thầy Minh tâm sự.
Còn với hơn 500 học sinh Trường PTDTBT THCS Phình Sáng (huyện Tuần Giáo), “Chuyến xe tri thức” như một món quà đặc biệt. Đây là hoạt động thường niên được Thư viện tỉnh Điện Biên duy trì nhiều năm nay tại các trường học vùng khó. Mỗi chuyến xe mang theo hơn 3.000 đầu sách khác nhau, truyện tranh, truyện thiếu nhi, sách tham khảo, kỹ năng sống...
Thầy Trần Thế Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Số lượng đầu sách hiện có trong thư viện của trường hạn chế, chủ yếu phục vụ việc học. Một số báo, tạp chí thiếu nhi đặt mua hoặc được hỗ trợ hàng tháng. Sách, truyện giải trí lứa tuổi học sinh rất ít và nếu có đều đã cũ.
“Nhà trường luôn phối hợp tốt với thư viện, cũng như các đơn vị tổ chức hoạt động đưa sách về cơ sở. Coi đó là cơ hội để mở mang cho học sinh, cũng như phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Đa phần học sinh đều có phản hồi rất tốt, thích thú và nâng niu từng cuốn sách, truyện. Tiếc là thời gian tổ chức hoạt động như vậy hạn chế nên chưa thỏa mãn với mong mỏi của các em”, thầy Nghĩa bộc bạch.
“Do xác định đối tượng học sinh trao tặng ngay từ đầu nên chúng tôi chủ động đề cập đầu sách để quyên góp. Làm sao để phù hợp nhất với lứa tuổi, qua đó phát huy hiệu quả tích cực từ sách. Sau khi tổng hợp, chúng tôi rà soát, chọn lọc và bàn giao để nhà trường xây dựng thành tủ sách phục vụ học sinh”, anh Đỗ Văn Linh, Phó Bí thư Đoàn Công an huyện Mường Chà trao đổi.