Sẽ không có va chạm nào ở cấp độ tuyệt chủng trong thiên niên kỷ tới

R.T | 20/05/2023, 05:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghiên cứu vừa được chấp nhận đăng trên The Astronomical Journal cho biết trong một thiên niên kỷ tới, không có một tiểu hành tinh nào có kích thước từ 1 km trở lên có khả năng va chạm với Trái Đất. Chúng ta có thể tạm yên tâm về điều đó!

Một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 1 km vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với tiểu hành tinh đã xóa sổ các loài khủng long cách đây khoảng 65 triệu năm. Sự kiện đó đã được gây ra bởi một tiểu hành tinh có được kính khoảng 10 km. Dù vậy thì một tiểu hành tinh cỡ 1 km vẫn có thể gây ra sự tàn phá ở qui mô lục địa và có thể giết chết hàng trăm triệu người.

NASA đã xây dựng danh mục gồm 962 vật thể gần Trái Đất có kích thước như vậy (hoặc lớn hơn), được ước chừng là khoảng 95% trong số những tảng đá không gian cỡ đó có thể đi qua gần hành tinh của chúng ta. Các nhà khoa học cho rằng va chạm với những thiên thể cỡ này xảy ra khoảng 600.000 tới 700.000 năm một lần, mặc dù một số nhà nghiên cứu khác cho rằng chúng có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu là Oscar Fuentes-Muñoz ở Đại học Colorado Boulder cùng các cộng sự của mình đã sử dụng những phương pháp mới để ước tính xem những quỹ đạo nào của những vật thể như vậy có thể dẫn tới tiềm năng va chạm, và qua đó xem xét chi tiết về các khả năng trong 1.000 năm tới - tức là xa hơn nhiều so với những dự đoán thông dụng về tiểu hành tinh. Họ đã kiểm tra mọi tiểu hành tinh mà quỹ đạo có khả năng tới gần Trái Đất hơn so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Vật thể được coi là nguy hiểm nhất là 1994 CP1, có đường kính 1,3 km. Nó chỉ có 0,00151% cơ hội đi vào khu vực gần Trái Đất hơn Mặt Trăng, và như vậy đã là cơ hội lớn gấp 10 lần bất cứ tiểu hành tinh nào khác trong danh sách được xem xét - theo báo cáo của MIT Technology Review.

Hiển nhiên, những tiểu hành tinh nhỏ hơn 1 km cũng nguy hiểm, nhưng ở qui mô nhỏ hơn. Chẳng hạn, sự kiện Tunguska năm 1908 đã dọn sạch hơn 2000 km² của vùng rừng Siberia, có nguyên nhân là sự phát nổ của một tảng đá tới từ không gian có đường kính khoảng 60 mét khi nó lao vào khí quyển Trái Đất. Ở một khu vực đông dân cư thì một sự kiện như vậy có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Vào năm 2013, một quả cầu lửa nhỏ hơn do một tiểu hành tinh có đường kính chỉ 18 mét đã phá tung những ô cửa sổ ở Chelyabinsk (Nga) và làm bị thương khoảng 1.500 người.

NASA hiện đang xây dựng danh mục rộng hơn, với những tiểu hành tinh có kích thước từ 140 mét trở lên. Một vụ va chạm với vật thể kích thước đó có thể phá hủy một thành phố. Danh mục này tới nay đã hoàn thành được 40% và trong tương lai gần sẽ mang lại thông tin đầy đủ hơn để chúng ta sẵn sàng trước những đe dọa có thể sẽ tới.

R.T
Theo Livescience

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ không có va chạm nào ở cấp độ tuyệt chủng trong thiên niên kỷ tới