Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Luật Đường bộ, đặc biệt đối với những quy định mới.
Trong đó, Bộ GTVT bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 43).
Thu phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc là quy định mới được Bộ GTVT bổ sung trong Luật Đường bộ. Ảnh: THU TRINH
Cụ thể, tại Điều 43 quy định về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật về quản lý tài sản công.
Thu nộp ngân sách nhà nước từ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để hỗ trợ đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành khai thác bảo trì đường bộ từ các nguồn tài chính sau: Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngân sách địa phương ngoài sử dụng để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì hệ thống đường địa phương, còn được sử dụng trong các trường hợp sau: Đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì đường gom, đường bên, nút giao kết nối vào quốc lộ; Đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông của địa phương; Hỗ trợ cho địa phương khác để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì đường chuyên dùng; đường không do Nhà nước đầu tư; đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm.
Theo Bộ GTVT, dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 2 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.