Bởi lúc này, “Mỹ thuật” không còn bó hẹp trong phạm vi của “vẽ” (theo Chương trình GDPT 2006, môn Mỹ thuật cấp THCS gồm 4 phân môn: Vẽ theo mẫu, Vẽ trang trí, Vẽ tranh và Thường thức Mỹ thuật), mà đã cập nhật và tiệp cận với các ngành, nghề trong lĩnh vực mỹ thuật như: Hội họa; Điêu khắc; Đồ họa (tranh in); Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp Thiết kế thời trang; Thiết kế Mỹ thuật đa phương tiện; Thiết kế Mỹ thuật sân khấu, điện ảnh; Kiến trúc.
Để đáp ứng được các nội dung giáo dục và chuyên đề học tập, sách giáo khoa Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12), lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đã mời hơn hai mươi tác giả tham gia biên soạn để đáp ứng được các chuyên ngành liên quan.
Chính sự công phu trong biên soạn, cũng như rộng khắp ở các chuyên ngành, nên bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống duy nhất có sách giáo khoa môn Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông được kí phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10, năm học 2023 - 2024 đối với lớp 11.
Sự thay đổi căn bản, toàn diện sách giáo khoa Mỹ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đã đem đến những cơ hội to lớn ở các phương diện:
Đối với gia đình: Học sinh được tiếp cận và lựa chọn học những môn phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực của bản thân từ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Tránh đi những lựa chọn không phù hợp, hao tổn thời gian, tiền bạc của gia đình và bản thân.
Đối với nhà trường: Các trường sư phạm đào tạo giáo viên cần thiết thay đổi Chương trình đào tạo giáo sinh nhằm đáp ứng được sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với thực tiễn triển khai môn học trong nhà trường. Các trường phổ thông định biên nhân sự đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với xã hội: Có sự phân luồng về nguồn nhân lực từ sớm, đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật ở giai đoạn đào tạo sau giáo dục phổ thông.
Chính những biến chuyển rõ ràng như vậy nên trong giai đoạn đầu triển khai môn Mỹ thuật, theo Chương trình GDPT 2018 đã và đang gặp nhiều khó khăn, từ phía nhà trường lựa chọn tổ hợp nội dung giáo dục, chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất (ở cấp THPT), cho đến những thay đổi về cách xây dựng Kế hoạch dạy học, Kế hoạch bài dạy (giáo án), phương pháp/ hình thức tổ chức dạy học (ở cấp tiểu học, THCS) cũng đã đặt ra nhiều thách thức, cần sự thay đổi trong chính đội ngũ giáo viên, quản lí giáo dục ở mỗi địa phương.
Chúng tôi hy vọng với sự quyết tâm cao, những thách thức sẽ biến thành động cơ, những khó khăn sẽ từng bước được khắc phục để những kiến thức, kĩ năng từ những cuốn sách giáo khoa Mỹ thuật chuyển hóa thành năng lực mĩ thuật ở học sinh, từng bước đáp ứng được tính bình đẳng, dân chủ trong giáo dục một cách thực chất, phù hợp theo sự vận động, phát triển chung của đất nước và sự kì vọng thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.