Sinh viên Trần Viết Minh Phát cho biết, thùng rác có khả năng chứa được 15kg rác thải nguy hại. Giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động khoảng 2 triệu đồng, phù hợp túi tiền của người dân cũng như các doanh nghiệp, bệnh viện…
Muốn đưa sản phẩmra thị trường
Sinh viên Nguyễn Văn Trúc (lớp 21CDT2), Khoa Cơ khí - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, hiện nhóm lập mục tiêu phát triển thùng rác thông minh thành sản phẩm phục vụ nhu cầu thu gom rác tại nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn, resort cũng như khu vực công cộng.
“Chính vì thế, nhóm hướng việc hoàn thiện và ra mắt sản phẩm. Xa hơn, nhóm hợp tác và chuyển giao công nghệ hoặc cho thuê dịch vụ quản lý vận hành hệ thống. Thời gian tới nhóm sẽ tìm kiếm nhà đầu tư thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, khoa học - công nghệ”, sinh viên Trúc thông tin.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử - cho biết, hệ thống triển khai trên nền tảng công nghệ IoT có thể phát triển lên mức cao hơn như tăng kích thước thùng rác để phù hợp các mục đích sử dụng khác nhau, tích hợp thêm nguồn năng lượng mặt trời khi sử dụng ngoài trời và thêm giải pháp công nghệ mạng không dây.
Ngoài ra, dựa trên nguồn dữ liệu thu thập được, có thể nâng cấp và triển khai các thùng rác chứa chất thải thông thường và phân loại rác thải tại nguồn. Điểm đáng chú ý của hệ thống quản lý rác thải thông minh là tính ứng dụng cao, hướng đến nhóm khách hàng như bệnh viện, công ty, nhà máy khu công nghiệp có nguồn rác thải độc hại.
“Hiện, nhóm nghiên cứu phát triển thêm nguồn dự phòng năng lượng mặt trời và giải pháp mạng Lora. Đây là giải pháp mạng diện rộng công suất thấp, có khả năng truyền tải dữ liệu trong bán kính khoảng 5km ở khu vực đô thị và 10 - 15km ở khu vực nông thôn, phù hợp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh”, TS Trần Hoàng Vũ nói.
Tiến sĩ Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - cho biết, tính riêng trong năm học 2021 - 2022, dù học kỳ I các em phải theo học trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng đã có hơn 500 sinh viên tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Và có 59 đề tài tốt nhất của 198 sinh viên được báo cáo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học.
“Nhà trường hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt những đề tài có tính ứng dụng thực tế, gắn liền với Khởi nghiệp, Sáng tạo và Đổi mới.
Nhà trường luôn tìm cách tăng phần kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, kèm theo những chính sách khuyến khích, đãi ngộ, khen thưởng đối với những giáo viên hướng dẫn và các nhóm sinh viên có đề tài chất lượng hoặc đoạt giải trong các kỳ thi”, TS Hoàng Dũng chia sẻ.
Cũng theo TS Hoàng Dũng, bên cạnh đó, trường luôn làm cầu nối để đưa thành quả nghiên cứu của các em đến với cộng đồng doanh nghiệp, luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên mang đề tài đến với các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo ở các cấp, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, khởi nghiệp cho những đề tài có chất lượng, có thể áp dụng trong thực tế, phục vụ cộng đồng, phục vụ sản xuất.