Sinh viên hào hứng trải nghiệm nghề nghiệp tại di sản

11/10/2023, 09:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình giáo dục bảo tàng với chủ đề 'Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Chămpa' được dành cho sinh viên chuyên ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sinh viên và giảng viên xem Tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (hay còn gọi là Bồ tát Tara). Ảnh: Hoàng Vinh. ảnh 1
Sinh viên và giảng viên xem Tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (hay còn gọi là Bồ tát Tara). Ảnh: Hoàng Vinh.

Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ThS Nguyễn Ký Viễn - Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tham gia các buổi trao đổi học thuật về văn hóa sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Từ đó, các em thấu hiểu sâu sắc hơn và thể hiện sự tôn trọng với văn hóa truyền thống và người dân ở những nơi sẽ làm việc hoặc đến du lịch sau này.

“Đây cũng là nền tảng kiến thức quý báu mà sinh viên có thể trang bị cho bản thân trên hành trình trở thành hướng dẫn viên du lịch giỏi trong tương lai. Đồng thời là cơ hội tốt để các em có thể tiếp cận với dự án nghiên cứu về văn hóa đã và đang triển khai, từ đó khơi dậy cảm hứng tìm hiểu và đưa các khía cạnh văn hóa vào nghiên cứu trong du lịch của mình”, ThS Nguyễn Ký Viễn nhìn nhận.

Thông qua buổi trao đổi học thuật, ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tại Bảo tàng, đặc biệt là với công chúng trẻ như học sinh, sinh viên.

Những buổi trao đổi học thuật sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Ảnh: Hoàng Vinh. ảnh 2
Những buổi trao đổi học thuật sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Ảnh: Hoàng Vinh.

Theo ông Tuấn, từ kết quả khảo sát nhu cầu của sinh viên và giảng viên chuyên ngành Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc và Du lịch trên địa bàn thành phố, trong năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thí điểm triển khai các chương trình giáo dục chuyên đề dành riêng cho nhóm này với hình thức là buổi trao đổi học thuật.

Qua đó, giới thiệu nghệ thuật tôn giáo Chămpa thông qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Bảo tàng với sự chủ trì của chuyên gia, nhà nghiên cứu.

“Những buổi trao đổi học thuật như vậy sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều tư liệu, vấn đề mới trong nghiên cứu để từ đó thảo luận, làm rõ hơn về văn hóa Chămpa. Điều này đồng thời giúp người học có tinh thần nghiên cứu khoa học, thêm thông tin tư liệu để sau này ra trường có thể thuyết minh, quảng bá văn hóa Chăm, di sản văn hóa của địa phương đến với bạn bè quốc tế.

Thông qua trao đổi học thuật, Bảo tàng cũng có thêm nhiều tư liệu từ các giảng viên để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề trong văn hóa Chămpa”, ông Hồ Tấn Tuấn khẳng định.

“Qua buổi trao đổi học thuật cho thấy, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng về tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP Đà Nẵng”, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-hao-hung-trai-nghiem-nghe-nghiep-tai-di-san-post656955.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-hao-hung-trai-nghiem-nghe-nghiep-tai-di-san-post656955.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên hào hứng trải nghiệm nghề nghiệp tại di sản