Giáo dục

Sinh viên làm chủ AI để nâng cao tư duy và kỹ năng học thuật

16/05/2025 21:47

Chiều 16/5, tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế diễn ra Talk show AI thực chiến đối với sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Talkshow với chủ đề “Học kiểu mới – Dẫn đầu xu hướng cùng AI” thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên, nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết thực trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào học tập và nghiên cứu khoa học.

290c6514.jpg
Talk show thu hút hàng trăm sinh viên tham gia.

Tại chương trình, các diễn giả đã giới thiệu và phân tích hiệu quả thực tiễn của hơn 15 công cụ AI đang góp phần thay đổi phương pháp học tập hiện đại của sinh viên, gồm các công cụ như: Chat GPT giúp diễn giải bài học, luyện tập phản biện và kiểm tra kiến thức; Gemini (Google) tổng hợp thông tin đa nguồn mạnh mẽ, lý tưởng cho tìm kiếm học thuật mở rộng; Copilot (Microsoft) trợ lý thông minh ngay trong Word, Excel, PowerPoint giúp soạn bài, tạo biểu đồ, phân tích dữ liệu… Cùng các công cụ chuyên biệt như: Notion AI, SlidesGPT, Perplexity, Elicit, Quillbot, Canva AI, Tome AI…

290c6521.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bình - Trưởng bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học trao đổi với sinh viên tại chương trình.

Các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, việc sử dụng AI không nhằm mục đích gian lận hay thay thế tư duy của người học mà là phương tiện giúp tiết kiệm thời gian đọc tài liệu, đồng thời hiểu sâu hơn vấn đề, nắm được cách tóm tắt, phân tích và hệ thống kiến thức hiệu quả hơn.

290c6568.jpg
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chuyển đổi số và Học liệu, Đại học Huế trao đổi, giải đáp thắc mắc cho sinh viên tại Talk show.

Ngoài ra, việc ứng dụng các công cụ AI còn giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thuyết trình một cách chuyên nghiệp nhờ sự hỗ trợ trong thiết kế và gợi ý nội dung chuyên sâu, từ đó hình thành phong cách học tập tự tin và hiệu quả. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ sinh viên xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học bài bản, từ khâu tìm kiếm tài liệu, phân tích bài báo khoa học, đặt câu hỏi nghiên cứu đến trình bày kết quả một cách logic và thuyết phục.

Bên cạnh những lợi ích nổi bật, chương trình cũng đưa ra cảnh báo về các nguy cơ lạm dụng AI như đạo văn, phụ thuộc, sao chép máy móc. Từ đó, các diễn giả định hướng sinh viên xây dựng “bộ lọc đạo đức số” khi học bằng AI, biết kiểm tra, xác thực thông tin, không tin tưởng tuyệt đối vào AI và hiểu rằng, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ tư duy, không thay thế việc tư duy.

290c6528.jpg
Sinh viên chăm chú lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả liên quan đến AI ứng dụng trong học tập và nghiên cứu.

Chương trình không dừng lại ở tập huấn một chiều, mà còn tạo ra thử thách hành động cho sinh viên “7 ngày học kiểu mới với AI”, mỗi ngày làm chủ một công cụ, chia sẻ kết quả, tạo thói quen học tập thông minh, có chiến lược và trách nhiệm.

Thông qua hoạt động này, chương trình đã gieo những “hạt giống đầu tiên” cho một thế hệ sinh viên mới: học tập linh hoạt, tư duy phản biện, đạo đức học thuật, và biết tận dụng công nghệ để phát triển toàn diện bản thân trong thời đại số.

290c6518.jpg
Đại diện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tặng hoa cho 2 diễn giả tham gia chương trình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-lam-chu-ai-de-nang-cao-tu-duy-va-ky-nang-hoc-thuat-post731407.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-lam-chu-ai-de-nang-cao-tu-duy-va-ky-nang-hoc-thuat-post731407.html
Bài liên quan
Từ năm 2025, toàn bộ sinh viên ĐHQGHN sẽ học về trí tuệ nhân tạo
Đón đầu xu thế chuyển đổi số, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai học phần “Nhập môn công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” từ năm học 2025–2026 dành cho toàn bộ sinh viên đại học chính quy.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên làm chủ AI để nâng cao tư duy và kỹ năng học thuật