Một lý do khác khiến sinh viên quốc tế trở lại Australia với tỷ lệ khác nhau là do thị trường lao động. Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2016, sinh viên Ấn Độ và Nepal đóng góp vào lực lượng lao động nhiều hơn sinh viên Trung Quốc. Khoảng 78% sinh viên Ấn Độ và 87% sinh viên Nepal được tuyển dụng tại Australia. Trong khi sinh viên Trung Quốc chỉ đạt 21%.
Những nỗ lực của Chính phủ Australia nhằm đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia nhanh chóng hơn đã làm nổi bật tầm quan trọng của nhóm đối tượng này trong lực lượng lao động và nền kinh tế quốc gia.
Điều tra dân số năm 2016 cho thấy sinh viên quốc tế chiếm khoảng 2% tổng lực lượng lao động. Khi sinh viên quốc tế không thể nhập cảnh, nhiều lĩnh vực đã thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.
Trước đại dịch, khoảng 15% bồi bàn, 12% phụ bếp vào 10% đầu bếp là sinh viên quốc tế. Những công việc này đã gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân viên trong thời gian dịch.
Sinh viên quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trước đại dịch, khoảng 9% tổng số nhân viên hỗ trợ điều dưỡng và nhân viên chăm sóc cá nhân trong lĩnh vực chăm sóc người già là sinh viên quốc tế.
Tiếp cận thị trường lao động là một khía cạnh gây tranh cãi của giáo dục quốc tế. Nước này sử dụng quyền tiếp cận thị trường lao động để cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Vào năm 2008, Australia đã bỏ quy định sinh viên phải xin thị thực lao động riêng. Sinh viên quốc tế có thể làm việc 20 giờ một tuần. Điều này cho thấy không chỉ các trường đại học Australia, nhiều lĩnh vực lao động cũng được hưởng lợi từ sinh viên quốc tế.
Các chuyên gia giáo dục kiến nghị khi chào đón sinh viên đến Australia, điều quan trọng là bảo đảm cho các em quyền được bảo vệ. Những sinh viên này có thể bị bóc lột tại nơi làm việc. Khi lĩnh vực giáo dục quốc tế phục hồi, sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục, di cư và việc làm có thể giúp chính phủ đưa ra những chính sách bảo vệ lợi ích tốt hơn.