Cũng theo ông Viện, mức thu phí dựa trên nguyên tắc không nhằm thu ngân sách mà là biện pháp tài chính tác động đến hành vi người tham gia giao thông. Mức thu phải có đủ tác động đến hành vi người tham gia giao thông, nếu thu thấp quá thì không tác động được. Do đó, mức thu phải phù hợp với mức chi trả của người dân. Bản chất của loại phí này không trùng lắp bất cứ loại phí nào
Về tính hiệu quả của đề án, ông Viện cho biết, sẽ giảm 20% lượng xe ô tô cá nhân vào nội thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khi số lượng phương tiện vào nội thành giảm thì khí thải và ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm.
Đặc biệt, ngoài việc khi thu phí sẽ tác động đến người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì điều này còn thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng.
"Có một số ý kiến cho rằng cứ phát triển giao thông công cộng đi nhưng qua nghiên cứu thì 2 vấn đề này tương hỗ với nhau. Trong phạm vi Vành đai 3, do ùn tắc giao thông, không đảm bảo thời gian nên người tham gia giao thông đã lựa chọn hình thức sử dụng phương tiện cá nhân nhiều. Vì vậy, nếu phương tiện cá nhân không giảm đi thì không thể phát triển vận tải hành khách công cộng" - ông Viện phân tích.
Ông Viện cũng nhấn mạnh, việc thu phí ôtô vào nội thành sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước (giảm ùn tắc giao thông), lợi ích của doanh nghiệp đầu tư đề án (bù đắp chi phí quản lý, vận hành) và lợi ích của người tham gia giao thông. Phương án quản lý tài chính cũng được công khai, minh bạch, đúng quy định.
"Đây mới là nghiên cứu đề xuất trên cơ sở được giao nhiệm vụ của UBND thành phố, tiếp đó sẽ trình cấp có thẩm quyền, trình HĐND thành phố. Khi nào HĐND quyết định thì khi đó mới là chính thức. Hiện chỉ là dự án nghiên cứu, đề xuất của Sở GTVT và để việc này được thành phố thông qua không thì còn các quy trình khác" - ông Viện cho hay.