Ông Nguyễn Thanh Bình đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT PV GAS
Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2023, PV Gas đang là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất trên sàn chứng khoán với con số 40.752 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD), tăng hơn 6.000 tỷ đồng sau một năm. Trong đó, PV Gas mang hơn 35.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng để lấy lãi, hơn 1.148 tỷ đồng gửi tiết kiệm không kỳ hạn.
Với số lượng "tiền tươi" khủng như vậy, trong năm 2023, PV Gas đã mang về 2.026 tỷ đồng lãi từ tiền gửi. Như vậy, mỗi ngày công ty bỏ túi đến 5,5 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp này.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của công ty đạt 86.754 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu của công ty này đạt mức 65.298 tỷ đồng.
Ngoài sở hữu lượng "tiền tươi" khủng 40.752 tỷ đồng, khoản mục lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này là tài sản cố định, ở mức 19.532 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng tăng mạnh 36%, lên hơn 12.500 tỷ đồng. Theo thuyết minh, "con nợ" lớn nhất của PV Gas đang là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power, POW) với hơn 2.440 tỷ đồng. Đứng vị trí thứ hai là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ với hơn 1.738 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm nhẹ, còn 3.900 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cuối kỳ giảm sâu, chỉ còn gần 1.500 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn tăng 20%, lên gần 15.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 45 tỷ đồng lên hơn 1.600 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn tới hạn. Nợ vay dài hạn giảm gần 30%, còn 4.300 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ vay tài chính của PV Gas ở mức 5.874 tỷ đồng, doanh nghiệp dầu khí đang chủ yếu vay nợ dài hạn đối với các nhà băng, điển hình như: Vietcombank - 804 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV - 798 tỷ đồng; Taipei Bank - 705 tỷ đồng; SeABank - 767 tỷ đồng; Ngân hàng SHB - 407 tỷ đồng;....