Hiện, tình thế của ông Sunak phần nào giống với một trong những người tiền nhiệm của vị thủ tướng gốc Ấn Độ, bà Theresa May, bây giờ vẫn là một nghị sĩ và đang “ngồi hàng ghế sau” (backbench MP) của đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh.
Thời điểm nắm quyền, bà May đối mặt với sự nổi loạn “không hồi kết” của các nghị sĩ trong vấn đề thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) khi các thành viên cấp cao trong nội các “thay nhau” từ chức. Khi đó, ông Sunak vẫn là một Bộ trưởng cấp thấp trong chính phủ của nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử chính trị Vương quốc Anh.
Cựu Thủ tướng Anh, Nghị sĩ Theresa May (hàng sau cùng, thứ hai từ bên phải) lắng nghe ông Sunak trình bày (Ảnh: Getty).
Có thể nói, cuộc bỏ phiếu then chốt đối với Dự luật Rwanda (nhiều khả năng diễn ra vào buổi tối giờ địa phương) sẽ được một số nghị sĩ xem như “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm” đối với ông Sunak.
Chắc chắn, vị thủ tướng sinh ra ở thành phố Southampton sẽ không xem nhẹ việc có nhiều nghị sĩ “nổi loạn” trong chính đảng của mình, khi đây là một trong những nguyên nhân chính đã khiến cho cả ba người tiền nhiệm, bao gồm bà Theresa May, ông Boris Johnson và bà Liz Truss buộc phải rời khỏi vị trí mà ông Sunak đang nắm giữ.