Khám phá những sở thích kỳ lạ của các nhà văn, nhà khoa học và nghệ sĩ Nga nổi tiếng.
Pushkin (1799 - 1837) là cái tên mà không người Nga nào không biết. Ngoài việc là “mặt trời thi ca Nga” với những áng thơ trữ tình động lòng người, ông còn nổi bật với cái chết chấn động vì đấu súng tay đôi.
Ai cũng biết, nguyên nhân khiến Pushkin thách đấu tay đôi là để bảo vệ vợ của mình, Natalya Goncharova, người được mệnh danh là “mỹ nhân số 1 của nước Nga thế kỷ XIX”.
Pushkin đã say mê Natalya ngay từ lần đầu gặp gỡ và bỏ ra rất nhiều công sức để chinh phục cả Natalya lẫn người nhà của bà, vì họ chê ông quá già (cách biệt 14 tuổi). Vậy mà Dantes, một gã không biết từ đâu xuất hiện lại mặt dày tán tỉnh Natalya, người đã là vợ ông được 6 năm và có với ông 4 mặt con. Quá tức giận, Pushkin đòi đấu súng tay đôi và cuối cùng bị trúng đạn mà qua đời ở tuổi 38.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, cuộc đấu súng lấy đi tính mạng của Pushkin đã là cuộc đấu tay đôi lần thứ 20 trong cuộc đời ông. Ngay cả trong lúc đang tán tỉnh Natalya, Pushkin cũng có xung quanh vô số “bóng hồng”.
Ông không chỉ yêu thích phụ nữ, mà còn tự hào lập hẳn một “danh sách Don Juan”, liệt kê hàng tá tên người phải lòng mình. Bài thơ tình nổi tiếng nhất của ông, “Gửi K.” cũng là tặng cho một phụ nữ cụ thể: Anna Kern. Và ngoài Anna, Pushkin còn rất nhiều bài thơ tặng các phụ nữ khác. Chúng cũng được gửi đích danh như “Gửi Natasha”, “Gửi Masha”, “Gửi người đẹp hút thuốc lá”…
Có lẽ vì quá giàu cảm xúc mà Pushkin rất dễ bị kích động. Lần nào cáu lên, ông cũng đòi đấu tay đôi và nóng nảy đem tính mạng ra cược nên cuối cùng mới dẫn đến kết cục bi thương.
Giống như Pushkin, Dostoyevsky (1821 – 1881) là đại tác gia quan trọng hàng đầu của văn chương Nga thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông khai thác triệt để tâm lý con người, là kinh điển cho muôn thế hệ sau.
Như tất cả các tác gia lớn, Dostoyevsky cũng đề cao lối sống đạo đức và luôn đặt thông điệp hãy sống sao cho đẹp vào trang văn. Tuy nhiên, chính ông cũng để lại cuốn tiểu thuyết khiến người đời sau phải hoang mang “Con bạc” (The Gambler) vì nó không chỉ viết về chủ đề cờ bạc, mà còn ca ngợi trò cò quay là “ý nghĩa cuộc sống”.
Lý do Dostoyevsky bất chấp viết “Con bạc” là vì quá ham mê cờ bạc. Trong khi các nhà văn Nga khác chỉ chơi cờ bạc cho vui và cố giữ mình trước sự cám dỗ đó thì Dostoyevsky đích thực là “con bạc”. Ông nghiện nó đến nỗi phải chạy ra nước ngoài để chơi cho thỏa. Hai sòng bạc “nhẵn mặt” Dostoyevsky là Roulette Paris (Pháp) và Baden Baden (Đức).
Càng như con thiêu thân lao đầu vào cờ bạc, Dostoyevsky càng cạn kiệt tài chính. Ông luôn đòi nhà xuất bản phải ứng trước tiền bán tác phẩm và bị nhà xuất bản thúc ép viết nhanh hơn, nhiều hơn. Ít nhất trong suốt 10 năm, Dostoyevsky viết đến đâu tiêu cho cờ bạc hết đến đấy và tất nhiên là luôn trong tình trạng “nghèo kiết xác”, “nợ ngập đầu”.
Nabokov (1899 - 1977) không chỉ là đại tác gia, mà còn là nhà côn trùng học. Từ năm 6 tuổi bắt được con bướm đầu tiên trong vườn của nhà mình ở gần St. Petersburg, ông đã mê mẩn loài côn trùng xinh đẹp này và dành cả đời để theo đuổi, săn bắt chúng.
Trong tư cách nhà côn trùng học, Nabokov làm việc tại Bảo tàng Động vật học Harvard (Mỹ). Ông giữ vị trí mà mình yêu thích nhất là người phụ trách bộ sưu tập bướm. Khi thống kê số lần mà Nabokov nhắc đến bươm bướm trong các tiểu thuyết của ông, người ta đếm được 570 lần.
Ngoài ra, Nabokov còn thường xuyên đứng ra tổ chức các chuyến tham quan côn trùng học, xuất bản các bài báo khoa học về côn trùng. Cả lúc còn sống ở Nga cho đến khi chuyển cư sang Mỹ và đi đây đi đó, ông lúc nào cũng kè kè vợt bắt bươm bướm trong tay. Dù trời nắng hay mưa, người ta đều thấy Nabokov hăng say săn bươm bướm.
Giới thượng lưu Nga thế kỷ XIX khinh bỉ việc làm nông nhưng Tolstoy (1828 - 1910), người xuất thân bá tước lại xem đi cày như cuộc sống. Ông cực kỳ say mê công việc nhà nông, thích tự tay cắt cỏ, dắt ngựa đi bừa đất...
Trong tác phẩm lừng danh nhất của ông, “Anna Karenina”, nhân vật nam chính – Levin cũng được miêu tả trong cảnh cầm liềm cắt cỏ. Bản thân Tolstoy thì không chỉ cắt cỏ, mà còn học cả nghề thủ công, tự tay làm bốt bằng da.
Đặc biệt, Tolstoy vô cùng thích đi bộ trong vùng thôn quê yên ả, không khí trong lành. Ông thậm chí từng đi bộ 225 km từ vườn của mình ở Yasnaya Polyana đến Moscow. Mãi đến năm 67 tuổi, Tolstoy mới tập đi xe đạp.
Tuổi tác cao cũng không khiến Tolstoy bớt say mê làm nông và đi bộ hàng giờ liền. Mọi người thường thấy ông cưỡi ngựa ra đồng, tự tay làm hết các công việc nặng nhọc với nụ cười hạnh phúc.