Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các thủ tục liên quan đến pháp lý, thẩm quyền để tổ chức đấu giá quỹ nhà và căn hộ...
Hiện nay, TP HCM có gần 9.000 căn hộ tái định cư chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án. Các căn hộ tái định cư bị bỏ trống này nằm ở TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội TP HCM đề cập lên chính quyền tại hội nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố làm việc với UBND thành phố về tình hình kinh tế, xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội vào sáng 16-5.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đặt câu hỏi về công tác quản lý nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn. Đại biểu muốn nghe giải pháp của thành phố trước cảnh hàng nghìn nhà ở đang bỏ trống.
"Đối với tình trạng này, thành phố có giải pháp gì để khắc phục? Bên cạnh đó, thành phố có kiến nghị gì lên Trung ương, Quốc hội để tháo gỡ tình trạng trên?"- đại biểu Quốc hội trao đổi.
Phản hồi đại biểu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết theo thống kê của Sở Xây dựng, TP HCM còn hơn 11.000 căn hộ và nền đất, trong đó có gần 9.000 căn hộ và hơn 2.000 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để trống.
Đối với những căn hộ và nền đất đang để trống nhà, TP HCM phân thành nhóm để xử lý, nhóm có chủ trương đấu giá và nhóm bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công.
Lý giải việc chọn 2 khu này để đấu giá, ông Khiết cho hay nguồn vốn tạo lập là từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn đi vay của ngân hàng.
Trước đây, sau khi đã đủ quỹ nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM có xin chuyển 3.790 căn ở Thủ Thiêm qua kinh doanh thương mại. Chủ trương này đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thông qua vào thời điểm 2017. Thời điểm này, các đơn vị của TP HCM đã tính toán giá gốc, giá thành xây dựng, lãi vay là 27 triệu/m2, chưa kể tiền bồi thường về đất và các chi phí khác.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, nếu cộng tiền bồi thường về đất và các chi phí khác, giá thành sẽ lên cao nên người dân trong diện thu hồi đất làm dự án không chọn quỹ nhà ở này.
Còn lý do không chuyển 3.790 căn này qua nhà ở xã hội, ông Khiết nói quy định về nhà ở xã hội rất khắt khe. Thứ nhất, nhà ở xã hội đã được miễn tiền sử dụng đất, tức là không tính chi phí sử dụng đất vào trong giá thành. Thứ hai, nhà ở xã hội được tính toàn bộ các chi phí, bao gồm cả chi phí bồi thường nên giá thành sẽ cao.
Thêm một quy định nữa là nhà ở xã hội chỉ được nằm trong khung từ 20-70 m2 nên chỉ có khoảng 30% trong 3.790 căn đáp ứng được yêu cầu. Do đó, không thể chuyển sang nhà ở xã hội vì về mặt quản lý phải cả tòa chung cư chứ không thể chia cắt.
Từ những lý do trên, chủ trương của TP HCM đối với 3.790 căn này là bán đấu giá. Tuy nhiên gặp một số khó khăn trong thủ tục triển khai. Vào năm 2018 thành phố có thực hiện nhưng chưa làm được vì khả năng kinh tế. Sắp tới, TP HCM sẽ cho đấu giá trước các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau đó cuối năm nay khi hoàn tất các thủ tục sẽ cho đấu giá 3.790 căn.
Ông Khiết cho hay gần 1.000 căn ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh cũng ở trong tình trạng tương tự.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thành phố phải dành số lượng lớn căn hộ và nền đất trống để phân bổ tái định cư cho các dự án đầu tư công. Theo quy định hiện nay, muốn thực hiện một dự án đầu tư công, phải chuẩn bị trước quỹ nhà và nền đất.
Vì vậy, TP HCM phải dành 5.467 căn hộ và nền đất, bao gồm 3.552 căn hộ và 1.915 nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công.
"Số lượng căn hộ và nền đất này phải để trống, sẵn sàng cho 258 dự án đầu tư công hiện đang triển khai trên địa bàn TP HCM"- ông Khiết thông tin và khẳng định tất cả các nền đất và căn hộ đều có mục tiêu rõ ràng cũng như quá trình xử lý.
Ông Khiết cho biết thêm hiện nay, Sở Xây dựng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhanh chóng triển khai các thủ tục liên quan đến pháp lý, thẩm quyền để tổ chức đấu giá quỹ nhà và căn hộ đã có chủ trương.
Còn những căn hộ và nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công thì phụ thuộc vào các dự án đầu tư công. Hằng năm, Sở Xây dựng đều có rà soát ở các địa phương và đề nghị các dự án đầu tư công nào không triển khai kịp trong năm thì quỹ nhà sẽ phân bổ cho dự án khác, tránh trường hợp để trống như hiện nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết các dự án đầu tư công thường kéo dài vài năm nên quỹ nhà này sẽ tiếp tục để trống, dành bố trí tái định cư.
Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ mới đây, ông Đinh Thiên Tân, Trưởng Phòng Quản lý vận hành (Sở Xây dựng TP HCM), cho biết do chưa có người ở nên các căn hộ này đóng cửa, niêm phong, không phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, thành phố phải chi trả phí quản lý vận hành cho ban quản trị các dự án.
Thời gian vừa qua các Ban quản trị, Ban Quản lý tại 39/85 chung cư, cụm chung cư đã có văn bản đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ trống với số tiền hơn 81 tỉ đồng. Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng chưa thanh toán khoản tiền trên, do chưa được được UBND TP HCM ủy quyền.
Ông Tân cho biết thêm theo quy định hiện nay chỉ người dân được bố trí căn hộ mới được tham gia họp hội nghị nhà chung cư, biểu quyết, thống nhất mức giá, phí quản lý để chi trả cho ban quản lý, quản trị tòa nhà.
"Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng đang quản lý cả nghìn căn hộ nhưng chưa được UBND thành phố ủy quyền. Vì thế, trung tâm không thể dự bỏ phiếu bầu ban quản trị, thống nhất giá quản lý vận hành với các căn hộ trống"- ông Tân nói.
Để xử lý, trung tâm sẽ báo cáo Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TP HCM ủy quyền cho trung tâm tham dự hội nghị nhà chung cư, tham gia ban quản trị, thanh toán các chi phí quản lý vận hành căn hộ trống. Sau khi UBND TP HCM chấp thuận chủ trương, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị để thống nhất mức phí quản lý vận hành phải thanh toán, hình thức thanh toán.