Tình trạng thiếu giáo viên các môn học mới vẫn chưa thể khắc phục khi năm học mới đã cận kề...
Năm học 2024 - 2025 sắp bắt đầu với các khối lớp cuối cùng thực hiện thay sách theo Chương trình GDPT 2018, thế nhưng tình trạng thiếu giáo viên các môn học mới vẫn chưa thể khắc phục.
Theo Bộ GD&ĐT, dự báo năm học 2024 - 2025 cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ; cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 giáo viên; môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên; môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Việc tuyển giáo viên các môn mới đã và đang hết sức khó khăn. Giai đoạn 2018 - 2023, TPHCM cần 1.129 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ tuyển được 841 người, tức 75% nhu cầu. Với môn Tin học chỉ có 140 người được tuyển mới dù có hơn 500 chỉ tiêu, tỷ lệ đáp ứng là 28%. Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho biết có thời điểm hai môn này không ai nộp hồ sơ. Đáng chú ý trong khi không tuyển đủ người mới thì từ năm học 2020 - 2021 đến nay, thành phố này có hơn 320 giáo viên Tin học và tiếng Anh cấp tiểu học bỏ việc.
Nguyên nhân thiếu giáo viên các môn mới do đào tạo chưa đáp ứng. Phải đến năm 2024, một số trường sư phạm đào tạo giáo viên tích hợp mới có sinh viên ra trường. Lương của giáo viên mới ra trường lại thấp (chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng), quá chênh lệch với mặt bằng thu nhập của nhiều ngành khác khối doanh nghiệp (khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng), phụ cấp theo số tiết vượt định mức cũng khiêm tốn.
Trong khi đó, khối lượng, áp lực công việc của giáo viên nhóm môn mới cao, mỗi thầy cô thường được phân công đảm nhiệm 12 - 22 lớp. Số tiết dạy, số học sinh phải theo dõi, nhận xét nhiều, có giáo viên phải ôm nhận xét từ 500 - 600 trò mỗi tháng.
Để bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018, vừa qua các địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp để thu hút giáo viên nhóm môn mới. Sở GD&ĐT TPHCM dự kiến đề xuất giáo viên tuyển dụng mới sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng trong năm đầu, 40 triệu đồng trong hai năm tiếp theo, 30 triệu đồng từ năm thứ ba trở đi.
Những giáo viên cũ, có thâm niên 3 năm trở lên cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi năm. Tỉnh Điện Biên căn cứ vào Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đã ưu tiên con em trên địa bàn, thực hiện chính sách cử tuyển, đào tạo tập trung vào các ngành Tin học, Ngoại ngữ.
Cùng đó, các trường đại học sư phạm đã tích cực mở chương trình đào tạo môn mới, tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên đơn môn để chuyển đổi dạy các môn học tích hợp, xây dựng chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học một cách rộng rãi, thường xuyên… Tuy vậy, thực tế tuyển dụng cho thấy câu chuyện đỏ mắt tìm giáo viên môn mới không đơn giản chỉ là thiếu nguồn tuyển. Nếu không tạo được sức hấp dẫn thật sự về mặt chính sách, bài toán thiếu giáo viên môn mới khó mà giải quyết dứt điểm.
Nghị quyết số 75/2022/QH15 đã giao Chính phủ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất xây dựng chính sách tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (thay vì đại học sư phạm như quy định của Luật Giáo dục 2019) các môn học Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) cấp tiểu học và THCS; đề xuất tuyển người có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học trên.
Nhiều tỉnh thành cũng đề xuất Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng cơ chế đặc thù để tuyển dụng giáo viên Tin học, tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Tuyển dụng và giữ chân đội ngũ giáo viên nhóm môn đặc thù rõ ràng cần cơ chế đặc thù. Có như vậy, ngành Giáo dục mới bảo đảm được số lượng và chất lượng giáo viên nhóm môn mới - nét đặc sắc của Chương trình GDPT 2018, đáp ứng kỳ vọng tạo được sự thay đổi về chất trong giáo dục phổ thông.