Văn hóa

Sống mãi những trái tim quả cảm

01/05/2025 21:08

Cà Mau - mảnh đất tận cùng Tổ quốc được xem là chiếc nôi của cách mạng.

Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là di tích thời kháng chiến chống Mỹ. Mỗi di tích là một hình tượng sống, ghi dấu chiến công, trí tuệ của bao trái tim quả cảm, kiên trung và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Dấu tích Đoàn tàu không số và Bến cảng lòng dân

Đầu những năm 1960, cùng với phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, phong trào cách mạng tại các tỉnh Nam Bộ chuyển mạnh sang thế tiến công và nhanh chóng lan rộng, trở thành cao trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam. Trước yêu cầu cấp thiết về vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quyết sách tổ chức lực lượng vận tải biển được hình thành, mở ra tuyến đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển, bao gồm các địa phương: TP Hải Phòng (nơi xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (các điểm mở bến quan trọng). Trong đó, Bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chính là một trong những dấu son nổi bật của tuyến đường lịch sử này. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển - điểm di tích Bến Vàm Lũng.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, do chiến sĩ Lê Văn Một làm Thuyền trưởng và chiến sĩ Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) tiến thẳng vào Nam.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày 16/10/1962, con tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), mang theo 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên của “Đoàn tàu không số”, mở thông tuyến vận tải chiến lược trên biển và ghi dấu Bến Vàm Lũng trở thành địa danh lịch sử, nơi đón chuyến tàu không số đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau thắng lợi của chuyến đi đầu tiên - sự kiện được gọi là “Tàu Phương Đông 1”, các chuyến tàu tiếp theo mang tên Phương Đông 2, Phương Đông 3… tiếp tục hành trình vận chuyển hơn 110 tấn vũ khí cập bến an toàn. Tính đến cuối năm 1970, Bến Cà Mau đã đón tổng cộng 76 chuyến tàu với hơn 4.200 tấn vũ khí, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Cùng với các bến khác như Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa…, riêng số lượng tàu cập bến tại Cà Mau (chủ yếu là Bến Vàm Lũng) đã chiếm hơn 50% tổng số lượt tàu không số, góp phần trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như: Chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã...

Những chiến thắng ấy đã góp phần làm thất bại căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy trên chiến trường miền Nam, tiến tới đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962 (quê Ngọc Hiển, Cà Mau), chia sẻ: Mỗi chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn là kết quả của biết bao nỗ lực, sự kiên cường, không ngại gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ hải quân thuộc “Đoàn tàu không số” và lực lượng tại bến của Đoàn 962.

Đồng thời, đó cũng là nhờ sự che chở, đùm bọc đầy nghĩa tình của nhân dân địa phương - những người âm thầm góp sức cho chiến thắng chung của dân tộc.

“Mình hoạt động trong thời gian dài, phạm vi rộng, bến bãi, kho cất giữ vũ khí, đạn dược và hoạt động của Đoàn 962, người dân thời đó đều biết, nhưng không một ai hé môi, để lộ thông tin trước kẻ thù tàn bạo. Nếu không có tấm lòng sắt son, đùm bọc, chở che của người dân thì không có bến cảng và không thể nào Đoàn tàu không số hoàn thành nhiệm vụ chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam”, ông Hải nói.

Với giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt, ngày 10/11/2010, Di tích Bến Vàm Lũng, một trong những điểm quan trọng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-3.jpg
Cựu chiến binh về nguồn tại địa điểm trận chiến thắng Bến Dựa (ảnh phải). Ảnh: Quách Mến - CTV.

Nơi ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng về tiến hành cách mạng vũ trang, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau đã có một trận đánh vang dội.

Nắm được tin tàu giặc sẽ chở đoàn Bình Định chạy từ sông Thanh Tùng ra sông Bến Dựa (địa phận xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn ngày nay) để tuần tra, được sự chỉ thị của trên, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở đã nhanh chóng cơ động bố trí lực lượng phục kích.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 28/2 Âm lịch, địch đã lọt vào trận phục kích của ta. Sau hơn 2 giờ chiến đấu hết sức quyết liệt, bằng sự anh dũng, mưu trí, quân ta đã giành chiến thắng và làm chủ hoàn toàn, diệt và bắt sống 150 tên địch; thu nhiều quân trang, quân dụng. Về phía ta, 6 chiến sĩ cũng đã hy sinh trong trận đánh này.

“Chiến thắng Bến Dựa chính là chứng minh thực tiễn Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng về tiến hành cách mạng vũ trang chống Mỹ cứu nước và lời hiệu triệu của Tỉnh ủy Cà Mau kêu gọi đồng bào, chiến sĩ trong tỉnh đứng lên đánh địch, diệt trừ bọn ác ôn, phản động, giành lại chính quyền ấp, xã cho cách mạng.

Chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào nổi dậy của quần chúng cả trong và ngoài tỉnh, cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt của lực lượng vũ trang Cà Mau lúc bấy giờ và là chiến công tô đậm truyền thống trung dũng, kiên cường của quân và dân vùng đất cực Nam Tổ quốc”, ông Nguyễn Minh Phúc, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn Ngô Văn Sở chia sẻ.

Ông Phúc cũng cho biết, bên cạnh chiến thắng vang dội tại trận Bến Dựa, trong giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở còn lập nhiều chiến công hiển hách khác. Tiểu đoàn đã anh dũng chiến đấu khắp ba vùng chiến lược, san bằng hàng chục đồn bốt, đánh bại hàng loạt chiến dịch và chiến thuật của địch, như: Chiến dịch Bình Tây, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Sóng Tình Thương; cùng các chiến thuật Trực thăng vận, Hạm đội nhỏ trên sông…

Trong thời gian này, Tiểu đoàn đã tổ chức và tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 tên địch, thu giữ khoảng 1.000 khẩu súng các loại. Lực lượng cũng đã bắn cháy và đánh chìm 89 tàu sắt của địch, bắt sống 2 tàu, bắn rơi hàng chục máy bay, mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn, góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ Tỉnh ủy và căn cứ Khu ủy Tây Nam Bộ.

Ghi nhận giá trị lịch sử to lớn của sự kiện, ngày 28/5/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định công nhận Địa điểm trận chiến thắng Bến Dựa (xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chia sẻ về công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, anh Huỳnh Việt Thanh, Bí thư Đoàn xã Hiệp Tùng, cho biết: “Thời gian qua, Đoàn xã thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho đoàn viên, thanh niên, học sinh và các em thiếu niên nhi đồng, giúp các em hiểu rõ hơn về trận chiến thắng Bến Dựa và ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện này.

Vào các dịp lễ, kỷ niệm, Đoàn xã còn tổ chức thắp nến tri ân, thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, đồng thời trùng tu, chăm sóc công trình di tích”. Theo anh Thanh, những hoạt động ấy không chỉ góp phần gìn giữ ký ức hào hùng của dân tộc, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp trong mỗi đoàn viên, thanh niên, hun đúc ý chí phấn đấu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ vì sự phát triển của quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước.

song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-5.jpg
Tượng đài tại di tích Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng được khắc họa theo hình tượng người chồng ôm xác vợ. Bên cạnh là vô số người dân vô tội thể hiện tội ác dã man của Mỹ - Ngụy.
song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-4.jpg
Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng năm 1962. Ảnh: Quách Mến

“Địa ngục trần gian” thời Mỹ - Ngụy

Tọa lạc tại ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau), Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng được thành lập vào cuối năm 1957 và hoàn thành vào đầu năm 1959. Nơi đây từng là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch đánh phá miền Nam của quân Mỹ - Ngụy.

Khu vực này do Nguyễn Lạc Hóa, một tên gián điệp đội lốt linh mục chỉ huy, từng được ví như “địa ngục trần gian”, “lò sát sinh” bởi những tội ác man rợ mà quân địch đã gây ra đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân vô tội.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bảo tàng tỉnh Cà Mau, trong vòng 16 năm tồn tại (1957 - 1973), chúng đã thảm sát dã man 1.675 người, trong đó có cả người già, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Mức độ tàn bạo của tội ác khiến ký ức của người dân địa phương vẫn chưa thể nguôi ngoai cho đến hôm nay.

Biệt khu này thường xuyên duy trì quân số từ 1.200 đến 1.800 tên, hàng ngày tổ chức các đợt càn quét làng mạc xung quanh. Cứ vài tuần, chúng lại mở các chiến dịch “Tảo thanh Việt cộng”, cưỡng ép người dân phá rừng, những nơi chúng nghi ngờ có lực lượng cách mạng hoạt động. Trên các tuyến hành quân, bất kỳ ai bị nghi ngờ cũng có thể bị bắt giữ và tra tấn dã man.

Để kiểm soát dân chúng, chúng đặt ra vô số luật lệ hà khắc: Người dân nếu để người lạ vào nhà mà không kịp báo sẽ bị tù; ai đưa người qua sông mà không được phép có thể bị xử tử; người bị nghi có quan hệ với cách mạng thì lập tức bị chặt đầu. Chúng dồn dân vào các “ấp chiến lược”, khu dinh điền. Nếu không tuân thủ, chúng lập tức thực hiện chủ trương “ba sạch”: Giết sạch, đốt sạch và phá sạch.

Những hình thức tra tấn mà bọn Hải Yến - Bình Hưng sử dụng không khác gì thời trung cổ: Trói tay chân bỏ vào lu rồi đổ nước sôi, quấn bông tẩm xăng đốt tay, đóng đinh vào người, chặt đầu, mổ bụng moi gan…

Nhiều nạn nhân sau khi bị thẩm vấn không khai thác được thông tin sẽ bị đưa đến cầu Kinh Mỵ, sát cạnh trại tù. Hễ ai bị áp giải qua cây cầu này coi như đã đi vào cõi chết. Chính vì thế, người dân địa phương đã gọi đây là cầu “Vĩnh Biệt” để ghi nhớ nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Ông Hồ Công Định, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Tân, một nhân chứng sống của thời kỳ này, vẫn chưa thể quên được cảnh tượng rùng rợn của những cuộc thảm sát.

song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-2.jpg
Một chiếc tàu thuộc Đoàn tàu không số chở vũ khí từ Bắc vào Nam. Ảnh: Quách Mến.

Ông kể: “Có những gia đình bị giết tới 5 - 6 người là chuyện thường. Có trường hợp một gia đình 13 người thì bị chúng bắn chết đến 12 người, chỉ còn một em bé đang bú mẹ còn sống sót vì chúng tưởng đã chết nên bỏ đi”. Một nhân chứng khác rùng mình nhớ lại: “Nó vào nhà bác Tám Sồi, giết cả nhà. Có đứa bé chỉ khoảng 12 tháng tuổi cũng bị chúng xé xác. Sau đó, chúng còn đốt luôn cả căn nhà. Có gia đình bị chúng bắn chết rồi mổ lấy gan chia nhau ăn sống”.

Tội ác của bọn Hải Yến - Bình Hưng không dừng lại ở việc giết người, ăn thịt người, mà còn khủng bố tinh thần người dân bằng những thủ đoạn ghê rợn: Chặt đầu nạn nhân, treo ở đầu cầu, rồi thông báo ai là thân nhân thì đến nhận. Nhưng nếu ai dám nhận xác người thân sẽ bị bắt và tra tấn, khiến họ mang thương tật suốt đời.

Những tội ác man rợ mà bọn Hải Yến - Bình Hưng gây ra đã thổi bùng làn sóng căm phẫn trong nhân dân. Không thể để chúng tiếp tục lộng hành, tàn sát đồng bào, lực lượng vũ trang và nhân dân toàn tỉnh Cà Mau đã cùng nhau đứng lên, quyết tâm xóa bỏ sào huyệt tội ác.

Với phương châm “Ba mũi giáp công”, quân và dân Cà Mau đã tổ chức nhiều trận đánh đáp trả quyết liệt, nhất là tại địa bàn Tân Hưng Tây - nơi thường xuyên diễn ra các đợt càn quét, biệt kích của địch từ năm 1961 đến 1963. Nhiều trận chống càn thành công đã gây thiệt hại nặng nề cho quân địch, khiến chúng ngày càng suy yếu và hoang mang.

Cuối cùng, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa ý chí nhân dân và trí tuệ, lòng quả cảm của các lực lượng vũ trang, quân dân ta đã tiêu diệt lực lượng chủ lực của giặc trong Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, xóa sổ “địa ngục trần gian” từng gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt nhiều năm.

Ghi nhận giá trị to lớn về mặt lịch sử và nhân văn, ngày 24/11/2000, Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-post728640.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/song-mai-nhung-trai-tim-qua-cam-post728640.html
Bài liên quan
Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống mãi những trái tim quả cảm