Đại học Monash (Australia) từng thực hiện một khảo sát vào năm 2018 với gần 1.200 phụ nữ và hơn 1.000 nam giới từng quan hệ tình dục với nam giới. Kết quả cho thấy khoảng 32% phụ nữ và 19% nam giới từng là nạn nhân của stealthing.
Những nạn nhân (bao gồm nam và nữ) đều cho rằng việc tháo bao cao su khi quan hệ tình dục chính là tấn công tình dục. Hơn 1/2 những người bị stealthing cho biết họ bị căng thẳng, thậm chí trầm cảm sau khi vụ việc xảy ra.
Khảo sát cũng thống kê được khoảng 8% nữ giới và 5% nam giới mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (STI) sau khi quan hệ tình dục thiếu an toàn. Khoảng 1% nữ giới và 2% nam giới nói rằng họ bị nhiễm HIV do bị stealthing. Một thông tin khác khiến nhiều người bất ngờ là chỉ 1% nạn nhân báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Nói về những tác động của stealthing với nạn nhân, bà Ali Howarth nhận định stealthing là việc sẽ tác động đến quyền tự quyết của nạn nhân. Bên cạnh những nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, hoặc mang thai (ở nữ giới), stealthing còn gây trầm cảm, lo lắng, loạn căng thẳng sau chấn thương, khiến nạn nhân thiếu tin tưởng vào những mối quan hệ trong tương lai.
James (sống ở Australia) là một trường hợp như vậy. Bạn tình của James đã lén tháo bao cao su khi quan hệ tình dục mà không có sự đồng tình của anh. Sau khi phát hiện, James đã đến phòng khám tại địa phương để tiến hành điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV.
"Tôi đã điều trị trong khoảng 1 tháng. Nhưng điều tồi tệ hơn cả là tôi bị suy sụp tinh thần. Niềm tin tôi dành cho mọi người đã hoàn toàn biến mất", James nói với ABC Everyday.
Jessie Campos bị Tòa án New Zealand kết án 3 năm 9 tháng tù vì stealthing. Ảnh: Jack Crossland. |
California là tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật, quy định rõ stealthing chính là hành vi bất hợp pháp. Stealthing được xếp vào nhóm vi phạm dân sự. Những kẻ có hành vi stealthing không bị truy tố hình sự nhưng nạn nhân được phép nộp đơn kiện để đòi bồi thường thiệt hại.
Tại Australia, ACT là tiểu bang đầu tiên hình sự hóa hành vi stealthing vào năm 2021. Theo luật của tiểu bang, việc tháo bao cao su khi quan hệ tình dục, hoặc không sử dụng bao cao su khi quan hệ dù trước đó đã thỏa thuận, sẽ bị tính là vi phạm pháp luật. Đến năm 2022, New South Wales, Victoria, South Australia cũng lần lượt hình sự hóa stealthing.
Cũng trong năm 2022, Canada tuyên bố những người quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su mà không được bạn tình chấp thuận có thể bị khép vào tội tấn công tình dục. Qua đó, Tòa án Tối cao Canada yêu cầu xét xử lại vụ việc của Ross McKenzie Kirkpatrick. Năm 2017, một phụ nữ đã tố cáo Kirkpatrick quan hệ tình dục với cô nhưng không dùng bao cao su dù trước đó, cô đã yêu cầu anh ta dùng.
Thụy Sĩ và New Zealand cũng từng ghi nhận những trường hợp bị kết án vì stealthing. Năm 2017, một người đàn ông Thụy Sĩ bị phạt 12 năm tù treo vì cố tình tháo bao cao su khi quan hệ tình dục mà không được bạn tình cho phép.
Năm 2021, Jessie Campos (sống ở New Zealand) bị tòa kết án 3 năm 9 tháng tù vì lén tháo bao cao su khi quan hệ tình dục. Trường hợp này, Campos bị tòa kết tội cưỡng hiếp.
Tuy nhiên, một số trường hợp nạn nhân bất lực vì không có pháp luật bảo vệ, như trường hợp của Sophie Maullin. Thời điểm cô trở thành nạn nhân của stealthing là đầu năm 2017. Khi đó, dù đã báo cảnh sát, Maullin vẫn không thể khiến người đàn ông kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Maullin kể lại khi cô báo án, hai cảnh sát đã đưa cô vào phòng và hỏi cô có chắc chắn muốn tiếp tục kiện cáo hay không. Thậm chí, cảnh sát còn kể cho cô một vụ ấu dâm họ đã điều tra trong nhiều năm nhưng không có kết quả, ngụ ý dù Maullin có tố cáo, tòa cũng khó kết luận hành động của gã kia có phải phạm pháp hay không.
Cuối cùng, gã đàn ông kia được gọi đến khai báo. Hắn nói rằng bao cao su bị tuột ra khi quan hệ tình dục và hắn không hề biết. Kết quả, mọi chuyện kết thúc, cáo buộc của Maullin được cho là đã giải quyết xong.