Việc thường xuyên trình chiếu sẽ hình thành ở học sinh thói quen lười/không đọc yêu cầu, hướng dẫn, quan sát trong sách; không tìm kiếm thông tin thông qua tài liệu mà chờ nhìn, nghe từ trình chiếu; không có thói quen rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc với tài liệu từ đó mất dần tính chủ động, tích cực, sáng tạo ở học sinh. Thời gian trình chiếu nhiều nên học sinh ít được tương tác với nhau, với giáo viên, chỉ xem, nghe, ít tư duy cho nên không hiểu sâu được vấn đề bài học dẫn đến chóng quên và hạn chế về sử dụng ngôn ngữ giao tiếp.
Với sự hỗ trợ của máy chiếu kết nối với máy tính xách tay, giảng viên có thể khai thác sâu nội dung của bài trong một tiết học. Ảnh: ITN |
Sử dụng hợp lý việc trình chiếu sẽ mang lại kết quả tốt trong giảng dạy. Vậy, sử dụng thế nào thì hợp lý là một câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng!
Phải khẳng định giáo án điện tử, sách mềm, CNTT và trình chiếu là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên đổi mới tổ chức dạy học, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận giá trị của nền công nghiệp 4.0 mang lại. Để ứng dụng CNTT, trình chiếu hiệu quả, giáo viên cần sử dụng giải pháp thích hợp, điều chỉnh nội dung, hoạt động trong quá trình dạy học, tránh việc lạm dụng trình chiếu.
Giáo viên cần nắm kỹ, hiểu rõ yêu cầu cần đạt của bài dạy theo quy định chương trình; nội dung điều chỉnh theo kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục được nhà trường phê duyệt; chủ động nắm rõ mức độ nhận thức, tính cách… của từng em trong lớp; cần thiết bị dạy học khác và đồ dùng học tập mà học sinh có. Rà soát thông tin nội dung, ngữ liệu, các clip kèm theo trong bài học (từ sách mềm) từ đó chọn nội dung, ngữ liệu để trình chiếu. Những nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chọn để chiếu là tiêu biểu, thiết thực, thật sự hỗ trợ đắc lực, đem lại hiệu quả cho bài giảng và học tập của học sinh.
Luôn có ý thức, đắn đo về việc sử dụng sách mềm, clip cũng như nội dung bản thân xây dựng để hạn chế tối đa việc trình chiếu. Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với học sinh, khuyến khích, gợi mở, tạo điều kiện để trò trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; hướng dẫn, khích lệ học sinh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ một cách thân thiện, cởi mở; quan sát kỹ để phát hiện và thường xuyên trực tiếp hỗ trợ cho học sinh/nhóm học sinh trong thực hiện nhiệm vụ học tập…
Tạo điều kiện cho học sinh làm việc bằng tay trong học tập, giúp các em hình thành kiến thức qua việc tự hoạt động của bản thân và hỗ trợ của bạn bè, giáo viên. Tận dụng tối đa việc tổ chức cho học sinh quan sát, làm việc trên vật thật, mẫu vật, nhất là các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý; giảm việc trình chiếu các bài tập, nội dung đã có trong sách giáo khoa, tài liệu mà các em có thể nghiên cứu, thảo luận được…
Tổ chức các hoạt động nhóm phù hợp nội dung đơn vị kiến thức của bài học để học sinh thảo luận, trao đổi, tranh biện. Tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học giúp học sinh nắm bắt, tiếp cận kiến thức tự nhiên, sáng tạo. Nghiên cứu, rà soát nội dung để tăng cường việc tổ chức học sinh đọc yêu cầu, nội dung hướng dẫn có trong sách, tài liệu học tập; giảm bớt việc trình chiếu nội dung đã có trong tài liệu.
Việc nghiên cứu nắm chắc yêu cầu cần đạt của bài học, đối tượng học còn giúp giáo viên làm chủ quá trình tổ chức hoạt động dạy học, không phụ thuộc vào trình chiếu. Chú trọng hướng dẫn, tạo cho học sinh có thói quen, phương pháp tự học, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân; thói quen tự đánh giá kết quả và tranh biện về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của bạn.
Để giảm ảnh hướng đến thị giác, thính giác của học sinh, giáo viên chú ý điều chỉnh màu sắc, cở chữ, màu nền, âm thanh phù hợp, đảm bảo học sinh nhìn rõ, sáng, không bị nhòe, mờ hình; không bị chóe âm thanh gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác học sinh trong lớp và các lớp học xung quanh…
Thuốc dùng để trị bệnh nhưng lạm dụng quá, không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ làm cho bệnh nặng thêm, hoặc có thể phát sinh bệnh mới. Trong dạy học cũng thế, việc lạm dụng các phần mềm, trình chiếu quá mức cũng cản trở mục tiêu dạy phát huy năng lực, phẩm chất người học, giảm hiệu quả dạy học và làm cho học sinh có nguy cơ mắc bệnh học đường.