Theo bia công đức ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm, nay thuộc Hà Nội), lúc làm Bố chính tỉnh Sơn Tây, ông đã có công giúp nhân dân xã Mông Phụ bài trừ một số tệ và cải cách chế độ thuế khóa bất hợp lý, nên được nhân dân tôn kính và phong ông là Phúc thần giáng đản, lập sinh từ và dựng bia cho ông tại đình.
Con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển đỗ Phó bảng năm 1841. Con trai của Đỗ Huy Uyển là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp năm 1879. Một số người khác trong gia đình tuy không tham gia khoa cử nhưng vẫn học giỏi và làm nghề dạy học. Đây là gia đình mà cha con, ông cháu đều đỗ đạt.
Từ đường họ Đỗ còn treo đôi câu đối: Lục triều trung hiếu gia sinh Phật/ Tam thế khoa danh quốc phúc hầu (Sáu triều trung hiếu nối nhau, Phật sống trong nhà sao hiếm thấy/ Ba đời khoa danh hiển hách, phúc thần được nước kính dâng thờ).
Trong các nhà khoa bảng La Ngạn, nổi tiếng nhất là Đình nguyên Đỗ Huy Liêu. Năm Đinh Mão (1867), Đỗ Huy Liêu đi thi Hương đỗ Giải nguyên, được bổ làm Điển tịch Viện Hàn lâm, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Năm Kỷ Mão (1879), ông thi Hội (ân khoa) đỗ thứ 8. Dự thi Đình, ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) nên được tục gọi là Hoàng giáp Liêu. Trong kỳ thi này, bài thi của ông được vua Tự Đức châu phê là: “Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được”.
Thi đỗ hạng cao, Đỗ Huy Liêu được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sau đó bổ giữ chức Tri phủ Đoan Hùng (nay thuộc Phú Thọ). Tháng Bảy năm Canh Thìn (1880), triều đình đổi ông làm Tri phủ Lâm Thao. Tháng Tư năm Nhâm Ngọ (1882), ông được thăng làm Án sát Hà Nội.
Cũng trong năm 1882, cha ông mất (Phó bảng Đỗ Huy Uyển - Biện lý bộ Hộ), ông về nhà cư tang. Năm Giáp Thân (1884), vua Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13, Đỗ Huy Liêu được triệu vào kinh làm Biện lý bộ Hộ, rồi Tham Tá nội các sự vụ.
Trong khoảng thời gian này, ông còn giữ chức Phụ đạo, dạy cho vua học và dạy cho hai con của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp.
Ban thờ trong đình làng La Mai (Hoa Lư - Ninh Bình) - nơi thờ Thành hoàng và các vị tiên hiền. |
Năm Ất Dậu (1885), quân Nam đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi đi trốn. Đỗ Huy Liêu bị quân Pháp bắt giam vì có liên can. Để mua chuộc, quân Pháp thả tự do và cho ông làm Bố chính Bắc Ninh, nhưng ông cương quyết từ chối.
Về lại La Ngạn, ông lo phụng dưỡng mẹ già. Theo nhà chí sĩ Phan Bội Châu, sau khi quân Pháp đánh chiếm Nam Định, ông cùng với bạn là Vũ Hữu Lợi (lúc bấy giờ cũng đang bỏ quan về đây dạy học), ngầm chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa chiếm lại tỉnh thành này. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành vì bị Tổng đốc Vũ Văn Báo cáo giác.
Dụ hàng không được, Vũ Hữu Lợi bị quân Pháp chém tại chợ Nam Định vào đầu năm 1887, còn Đỗ Huy Liêu thì bị bắt giam đến mấy năm mới được tha, nhưng vẫn phải chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân Pháp.
Năm 1891, tổ chức xong lễ mãn tang cho mẹ vào buổi sáng thì buổi chiều Đỗ Huy Liêu đột ngột từ trần. Theo Phan Bội Châu, thì ông đã uống thuốc độc tự vẫn - khi ấy mới 47 tuổi.
Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa tìm ra mối liên hệ giữa hai làng thuộc 2 tỉnh khác nhau nhưng cùng ven bờ sông Đáy có tên đầu giống nhau như hai làng La Ngạn - La Mai. Tuy nhiên, truyền thống khoa bảng của 2 làng mãi còn khắc ghi và truyền thừa đến các thế hệ sau này.
Dòng họ Tống làng La Mai được đánh giá là dòng họ tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài. Dòng họ luôn để dành một khoản tiền lớn làm quỹ khuyến học, và hàng năm vào các dịp lễ tết, giỗ tổ… đều tổ chức phát phần thưởng động viên con cháu trong họ không ngừng phấn đấu học tập.
Họ Tống cũng có nhiều người thành đạt ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, học thuật, nghệ thuật. Với truyền thống hiếu học và thành tựu nổi bật, góp phần vào công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước quê hướng, ngay từ năm 2003 họ Tống trở thành “Dòng họ hiếu học” đầu tiên được vinh danh của huyện Hoa Lư.
Còn ở làng La Ngạn, dòng họ Bùi là dòng họ có truyền thống hiếu học tiêu biểu của huyện Ý Yên. Phần đông người dân trong họ đều coi trọng giáo dục, chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.
Mỗi gia đình trong họ tự nguyện đóng góp cho quỹ khuyến học để mọi người cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác khuyến học dòng họ. Năm 2016, dòng họ Bùi được địa phương tặng bức trướng “Dòng họ hiếu học” vì nhiều năm dẫn đầu xã về phong trào khuyến học.
Lấy sự học làm trọng, dòng họ Bùi có nhiều gia đình “cả nhà đỗ đại học”. Nhờ con chữ, nhiều người ở La Ngạn trở thành sĩ quan, giáo viên, bác sĩ… và họ lại có thêm điều kiện để chung tay dựng xây quê hương, tiếp nối truyền thống hay chữ mà cha ông đã tạo dựng.