Xác định công việc của mình không chỉ giảng dạy trên lớp, mà còn là niềm vinh dự khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, cô Kiều luôn tự dặn lòng phải xây dựng hình ảnh đẹp về trường, con người Quảng Ngãi và xa hơn là người Việt Nam trong mắt học sinh Lào.
“Động lực để gắn bó với nghề, thêm yêu lưu học sinh Lào chính là những lần nhận được lời chúc của học sinh vào dịp lễ tết. Cũng nhiều lưu học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã đưa gia đình trở lại Việt Nam chơi, thăm cô giáo và gọi 2 tiếng “sư phụ” khiến tôi rất vui và tự hào…”, cô Kiều nói.
Theo TS Bùi Văn Thanh, Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Sư phạm Xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), cùng với đào tạo các chuyên ngành đại học thì nhà trường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trước khi theo ngành học chính tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Đối với nhà trường đây là nhiệm vụ chính trị vinh dự, góp phần gìn giữ, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam – Lào. Vì thế, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để khích lệ tinh thần, giúp các lưu học sinh Lào ngày càng tiến bộ trong học tập.
Hàng năm, Quảng Ngãi đào tạo từ 15 - 20 chỉ tiêu ĐH, CĐ cho các tỉnh Nam Lào. Trong giai đoạn 2016 - 2023, Quảng Ngãi tiếp nhận đào tạo diện học bổng cho 142 lưu học sinh Lào đến từ các tỉnh Champasak, Sekong, Attapeu. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đào tạo hơn 376 lưu học sinh Lào theo diện tự túc.
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, từ năm 2008 đến nay, trường dạy tiếng Việt cho hơn 516 lưu học sinh Lào. Từ năm 2016 đến nay, sau khi tỉnh Quảng Ngãi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với một số tỉnh Nam Lào, trường đã tiếp nhận đào tạo 310 lưu học sinh Lào học tiếng Việt, trong đó có hơn 120 em được đào tạo chuyên sâu.
Vào tháng 4 hằng năm, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và sinh viên Lào cùng tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay. Đây là cái Tết ấm áp nghĩa tình, giúp sinh viên Lào vơi đi nỗi nhớ nhà. Thầy và trò Việt – Lào lại tay trong tay hòa cùng điệu múa, thực hiện các nghi thức trong ngày Tết cổ truyền dân tộc Lào.
Gắn bó với sự nghiệp giáo dục 25 năm và bắt đầu dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng từ năm 2007, cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Kiều được xem như người dạy tiếng Việt vỡ lòng cho những lưu học sinh Lào tại Quảng Ngãi.