Ngoài ra, trong các video ông Phúc tự tin “khoe” nhiều huân, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, và hầu hết các video về ông này thu hút cả triệu lượt xem, phổ biến trong thời gian dài.
Mặc dù vậy các video trên cũng khiến nhiều người ngán ngẩm và hoài nghi đây có phải là sư thầy thật không?
Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ
Về vấn đề này ông Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM thông tin với báo chí, người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" tên thật là Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1983, quê huyện Củ Chi. Từ năm 2000 - 2010 đương sự có tu học tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) và chỉ mới làm lễ quy y, chưa xuất gia.
Năm 2010, ông Phúc trở về địa phương, tự lập chùa “Ngộ Chân Tử” và tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc".
Sau đó, cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu tháo dỡ biển hiệu chùa, đề nghị không tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép, nhưng sau đó đương sự vẫn tiếp tục sinh hoạt trái phép với hình thức thành lập các công ty, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Công an huyện Củ Chi cũng đã kiểm tra, phát hiện tại nhà ông Phúc có treo huân chương lao động và các bằng khen, 3 con dấu có hình chùa cổ và tiếng nước ngoài, tất cả đều là giả. Công an huyện đã thu hồi và xử lý vi phạm hành chính, không xử lý hình sự vì chưa đủ cơ sở.
Ông Phúc mặc áo tu sĩ xuất hiện trong một quán ăn ở quận Gò Vấp
Ngoài ra, hồi tháng 7/2023, lực lượng chức năng kiểm tra một quán ăn ở quận Gò Vấp, phát hiện ông Phúc mặc đồ giống người tu hành đang ăn uống tại đây. Qua kiểm tra ma túy toàn bộ khách, không phát hiện người đàn ông này có sử dụng chất kích thích. Tuy nhiên, lợi dụng việc ông Phúc mặc đồ giống người tu hành, nhiều người đã quay clip đăng tải lên mạng xã hội câu view, gây dư luận xấu trong xã hội.
Trả lời báo chí sau vụ việc trên của người tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc”, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM, khẳng định: "Ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc" không phải là tu sĩ Phật giáo".
Liên quan đến vấn đề này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi cũng cho biết thêm, cơ sở ông Phúc đang tự gọi là “chùa Hoằng Pháp Trung ương” là nhà ở, không phải nơi thờ tự.
Các giấy tờ như chứng điệp thọ giới, giấy chứng nhận tăng ni, quyết định bổ nhiệm trụ trì “chùa Hoằng Pháp Trung ương”… mang tên “Đại đức Thích Tâm Phúc” được ghép, sao chụp ảnh chữ ký của lãnh đạo và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.