Sự tò mò sẽ thúc đẩy năng lực tự học của học sinh

Liên Minh | 19/10/2023, 16:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thành tựu đồ sộ với hơn 1000 phát minh khoa học kỹ thuật của nhà bác học Thomas Edison đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Trên thực tế, ông vua phát minh này đã tự học thành tài dưới sự hướng dẫn, khuyến khích của người mẹ.

day-hoc.jpg
Sự tò mò sẽ thúc đẩy năng lực tự học của học sinh. Ảnh minh hoạ.

Năng lực tự học

Khi không thể tự mình giải thích về kiến thức cho Edison, bà Nancy đã hướng dẫn cậu bé tìm đến các thư viện để tự tìm kiếm kiến thức bằng việc đọc sách. Đó chính là năng lực tự học.

Khi cha mẹ hướng dẫn con học, sự chú trọng đến việc bồi dưỡng năng lực tự học đóng vai trò quan trọng đối với việc học tập. Một đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc sẽ có năng lực tự học tốt bởi chúng chủ động trong quá trình học tập của mình mà không cần bất cứ sự thúc ép nào.

Hãy để trẻ nắm vững khả năng tự học theo đúng nghĩa. Việc tự học còn quan trọng hơn cả việc học thêm, tăng điểm số hay ghi nhớ lượng lớn kiến thức sẵn có. Năng lực tự học là một quá trình rèn luyện, thói quen và ý thức được bồi dưỡng và duy trì trong thời gian dài.

Nó thể hiện ở khả năng tự đọc sách, nắm bắt tốt ý chính của cuốn sách đó; khả năng phân tích vấn đề; năng lực vừa nghe giảng vừa ghi chép; khả năng chuẩn bị bài trước, ôn tập lại và tổng kết từng bài vừa học; có khả năng phân phối thời gian học tập một cách khoa học; vạch ra kế hoạch học tập và có phương pháp học tập tốt, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Những khả năng này có thể được bồi dưỡng thông qua hướng dẫn cơ bản từ các bài học trên lớp hàng ngày. Tuy nhiên, phần lớn năng lực đều có được là do sự chủ động.

Chu kỳ tự học được chia thành 4 giai đoạn: chuẩn bị bài, nghe giảng, ôn bài và làm bài tập. Nếu chỉ chú trọng vào nghe giảng và ôn bài mà bỏ quên khâu chuẩn bị bài và làm bài tập thì không hình thành được năng lực tự học. Bởi lẽ, chu trình 4 giai đoạn này có sự liên hoàn, kết nối mật thiết với nhau, có ảnh hưởng tới chu trình tư duy, tổng hợp kiến thức của não bộ.

Năng lực tự học rất quan trọng để tiếp tục học tập và phát triển kỹ năng ngay cả khi đã rời khỏi môi trường học đường. Năng lực tự học cũng là chìa khoá để mở ra thành công trong công việc và cuộc sống.

Người có năng lực tự học sẽ biết cách tự đặt ra các mục tiêu để nỗ lực, phấn đấu thực hiện và áp dụng các phương pháp học tập hiệu quả.

Đồng thời, người có năng lực tự học sẽ tự biết điều chỉnh các điểm yếu, khuyết điểm và phát huy những điểm mạnh của bản thân thông qua những đóng góp, lời khuyên của những người xung quanh.

Họ cũng là người biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm, dám đối mặt với thách thức và luôn mong muốn thay đổi tích cực.

Trong thời đại công nghiệp số hoá như hiện nay, năng lực tự học cũng là kỹ năng cần thiết và cơ bản để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong bối cảnh mọi thứ đều phát triển nhanh và ngày càng tân tiến, hiện đại thì con người không thể ngừng tự học và tự nâng cao năng lực của bản thân.

Nếu bạn dừng lại, đồng nghĩa với việc bạn rời khỏi quỹ đạo công việc và trở thành người không còn giá trị tự thân. Niềm tin, sự tự tôn và trí tuệ của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, năng lực tự học là năng lực có ý nghĩa chủ động và có thời gian thực hành suốt đời./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự tò mò sẽ thúc đẩy năng lực tự học của học sinh