Quy định này cũng bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi vì Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các chế định, quy định về phát triển các khu đô thị mới.
Pháp luật đất đai cần tạo cơ chế khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch: “Khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Luật Du lịch hiện hành cũng không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ. Chúng tôi rất chờ đợi những điểm đột phá từ việc sửa đổi Luật Đất đai lần này”.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch cũng băn khoăn khi thấy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có quy định Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với những dự án như khu đô thị mới quy mô lớn, hoặc các dự án khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi - giải trí, tổ hợp đa năng; hay các khu du lịch, giải trí, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế…
Đây là những mô hình đang được ưa chuộng trên thế giới như tại Thái Lan, Malaysia hay Ả-Rập-Xê-Út, là xu hướng phát triển, đã xuất hiện ở Việt Nam và có khả năng “thay da đổi thịt”, mang lại lợi ích lớn, tạo đột phá cho kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có sự tham gia của nhà nước trong việc thu hồi đất, hỗ trợ tiếp cận đất đai, khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia phát triển hạ tầng du lịch, phát triển đô thị bài bản.
Những dự án quy mô được quy hoạch đồng bộ, chất lượng rõ ràng sẽ mang lại giá trị lớn cho kinh tế - xã hội, nâng tầm điểm đến, thu hút khách du lịch, tạo dịch chuyển cơ cấu kinh tế, giải quyết hàng ngàn công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống người dân,… Nếu để doanh nghiệp “tự bơi”, tự thỏa thuận với người dân ở những dự án hàng trăm ha, khả năng thất bại là nhãn tiền và đang trở thành vướng mắc lớn trong thực tiễn.
Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch MTTQ Việt Nam từng nêu thực trạng nếu để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đền bù đất cũng đã nảy sinh nhiều bất cập, méo mó trong chính sách đất đai.
Ông Chiến cho biết, nhiều dự án do không thoả thuận được với số ít hộ dân còn lại nên không thể thực hiện được. Chủ tịch MTTQ Việt Nam từng đi khảo sát dự án người dân đòi 650.000 đồng/m2, doanh nghiệp cũng đồng ý.
Nhưng tỉnh lại không nhất trí do sợ người dân ở các dự án xung quanh đã nhận bồi thường thấp hơn sẽ khiếu kiện. Khi đó, rõ ràng dự án không thể triển khai, nhà đầu tư nản lòng, ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất lúc này bằng không, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Còn theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đất đai là do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không phải vì lợi ích cá nhân.
Như vậy bất kể dự án nào thực hiện quy hoạch đất đai của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Và bất kể dự án nào mà Nhà nước đã phê duyệt thì đủ điều kiện là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và có thể được thu hồi”.
Ông Hoàng Văn Cường phân tích thêm: đất thu hồi, giao cho nhà đầu tư đều phải thông qua đấu giá, hoặc đấu thầu để lựa chọn người người sử dụng đất có hiệu quả nhất. Giá trị tăng lên do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất (ví dụ thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị) sẽ được phản ánh trong giá trúng đấu giá, hoặc đấu thầu.
Nhà nước sẽ thu được giá trị địa tô tăng lên. Đó là nguồn lực để bồi thường thoả đáng cho người có đất bị thu hồi, kể cả những dự án thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh và giao thông công cộng.
Theo đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, Nhà nước thu hồi và cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường tái định cư để tạo được sự đồng thuận của người dân sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế xã hội tốt hơn.