Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết.
Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
Bản thân các em học sinh cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt.
Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường.
Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.
Bài tập 5 - 4 - 3 - 2 - 1 giúp lấy lại bình tĩnh trong vòng 1 phút
Đây là một phương pháp tâm lý cực kỳ đơn giản, giúp đưa bạn về trạng thái cân bằng cảm xúc, dựa trên 5 giác quan cơ bản: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác.
Trước khi bắt đầu bài tập cần chú ý đến nhịp thở nên chậm, sâu và dài, sau đó nhìn xung quanh và:
- Xác định 5 thứ bạn nhìn thấy mà ít khi để ý đến. Nó có thể là một cây bút, một điểm trên trần nhà, bất cứ thứ gì trong môi trường xung quanh bạn.
- Tìm 4 thứ bạn có thể chạm, và cảm nhận nó. Có thể là bất kỳ thứ gì - tóc, nền nhà, đôi giày đang đi, chiếc nhẫn đang đeo...
- Lắng nghe 3 âm thanh bạn nghe được. Đó cũng có thể là tiếng gió, tiếng đồng hồ, ...
- Tìm 2 mùi hương bạn đang ngửi thấy. Nếu bạn đang trong phòng, hãy ngửi mùi chiếc gối, hoặc đang đi dạo bên ngoài hãy ngửi mùi hương một loài hoa.
- Thử nếm 1 thứ, có thể là chính chiếc lưỡi của bạn hoặc 1 viên kẹo cao su.