Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao giải cho các tác giải đoạt giải Khuyến khích. |
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhận định: Cùng viết về giáo dục, nhưng mỗi năm những đề tài được chú trọng khai thác trong tác phẩm dự giải có khác nhau.
Năm 2018, các tác phẩm dự thi ưu tiên phản ánh cuộc sống, nghị lực của giáo viên vùng khó; những tấm gương tập thể, cá nhân đổi mới sáng tạo trong quản lý, dạy học; vấn đề liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018…
Giải năm 2019, ngoài những đề tài trên, đã có số lượng đáng kể bài viết đi sâu phân tích, mổ xẻ những vấn đề nóng của ngành Giáo dục.
Năm 2020 và 2021, nhiều tác phẩm dự thi phản ánh những khó khăn của ngành Giáo dục, của thầy trò trong trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đặc biệt ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm, cách làm sáng tạo của toàn ngành Giáo dục để thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Nhiều câu chuyện xúc động về những nhà giáo, xung phong nơi tuyến đầu chống dịch.
Năm 2022, nội dung các tác phẩm dự thi phản ánh đậm nét các mảng đề tài về gương nhà giáo; các vấn đề lớn của ngành Giáo dục như phân luồng, hướng nghiệp, tự chủ đại học, tâm lý học đường, triển khai Chương trình GDPT 2018; những vấn đề về giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc…
Nhìn chung, các tác phẩm dự thi trong 5 năm qua gần như phản ánh được toàn diện, đa chiều vấn đề giáo dục khắp các vùng miền trên cả nước.
Không chỉ ghi nhận thực tế triển khai, nhiều bài viết có tính phản biện mạnh mẽ về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người học.
Không ít biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giáo dục được đề cập trong các tác phẩm; có những sáng kiến, tư duy đột phá mới, phản biện chính sách giáo dục, đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Nhiều tác phẩm lan tỏa những tấm gương nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại. Hầu hết tác phẩm dự thi thể hiện sự đầu tư công phu về thời gian, sức lao động, dấn thân của tác giả, sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo các Ban Biên tập.
“Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trong cả nước.
Thành công của Giải từ thực tiễn 5 năm qua cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, nhà giáo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước.
Về phía Ban tổ chức, chúng tôi cố gắng tiếp tục tìm tòi, đổi mới, học hỏi, nghiên cứu quán triệt chỉ đạo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ GD&ĐT để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài hơn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội”, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.