Đặc biệt, thời gian đầu khi biết lịch thi sớm, cộng thêm việc chưa rõ ràng địa điểm thi khiến em cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến quá trình di chuyển, nơi ăn, chốn nghỉ trong những ngày thi. Sau nhiều lần chia sẻ, nắm bắt tình hình, thầy Hưng đã động viên, khích lệ tinh thần. Đồng thời vận động em vào nội trú ở để tập trung cho việc ôn tập.
“Được thầy cô đồng hành, hỗ trợ em đã bớt lo lắng hơn. Mới đây, nhà trường thông báo Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng thi ngay tại trường nên em càng yên tâm. Hiện nay em đang tập trung toàn bộ thời gian để ôn luyện, với quyết tâm là thi đỗ đại học. Em dự tính theo học tại các trường quân sự để phù hợp với hoàn cảnh gia đình”, Sùng Thị A bộc bạch.
Cả ngành vào cuộc
Trường THCS - THPT Quyết Tiến đóng chân trên địa bàn xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Theo thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thì 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn. Một số em mới cấp 3 nhưng đã xây dựng gia đình.
“So với mặt bằng chung thì lực học của học sinh nhà trường tương đối kém. Trong khi đó, đây lại là năm đầu tiên trường có học sinh 12 tham gia thi tốt nghiệp THPT, với tổng số 88 em. Do chưa có kinh nghiệm, xuất phát điểm lại thấp nên để đảm bảo chuẩn bị tốt cho kỳ thi thì thời gian qua trường đã chủ động học hỏi ở nhiều nơi, bằng nhiều cách. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành từ chuyên môn đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất”, thầy Ninh cho hay.
Mỗi trường hợp học sinh khó khăn hoặc vướng mắc trong học tập đều được nắm bắt để tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời. |
Về phía nhà trường, công tác ôn thi tốt nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm học, với 4 giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn đều có thi thử để đánh giá, phân loại học sinh và xây dựng phương án ôn tập, bổ trợ phù hợp.
“Hiện nay đang bước vào giai đoạn cao điểm ôn thi, chủ yếu tập trung cho học sinh luyện đề, rèn kỹ năng. Dựa trên kết quả các đợt thi thử, trường thành lập lớp bổ trợ 6 môn dành cho học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thời gian ôn luyện là vào các ca lỡ (từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút; 19 giờ - 21 giờ 30 phút)”, thầy Ninh thông tin thêm.
Để đảm bảo công tác quản lý, nhất là ôn tập, cùng với 60 học sinh nội trú thì trường vận động hơn 30 em còn lại vào ở tập trung. Toàn bộ việc ôn tập, ăn uống sinh hoạt của các em do nhà trường hỗ trợ. Nguồn kinh phí này được tính toán, cân đối từ khoản dôi dư trong chế độ cho học sinh nội trú và kêu gọi xã hội hóa.
Học sinh được chia ca ôn luyện theo nhóm phù hợp với năng lực, sở trường. |
Để hỗ trợ cho nhà trường trong công tác ôn tập, ngay từ đầu tháng 4, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã cử đoàn công tác gồm 4 thầy cô ở các bộ môn đến giúp đỡ. Ngoài ra, đơn vị cũng cử nhiều đoàn giáo viên đi học hỏi kinh nghiệm ở các trường trong cùng địa bàn. Tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp trong cụm thi đua, nhằm nắm bắt kinh nghiệm, đồng thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ.
“Mỗi lần trao đổi, hội thảo, các thầy cô học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp nâng cao trình độ bản thân. Dựa trên việc phân tích điều kiện thực tế và tình hình học sinh, mỗi thầy cô sẽ linh hoạt áp dụng trong quá trình giảng dạy, làm sao để phù hợp, hiệu quả nhất”, thầy Ninh chia sẻ.
“Mặc dù là năm đầu có học sinh dự thi, xuất phát điểm lại thấp, song nhà trường phấn đấu có từ 98% trở lên đỗ tốt nghiệp. Đây là mục tiêu khá cao so với tiềm lực hiện có. Tuy nhiên, chúng tôi đặt ra mục tiêu đồng thời tăng cường động viên, khích lệ để cả thầy và trò cùng nỗ lực, quyết tâm. Hiện nay các em đều hoàn toàn yên tâm và dành toàn bộ ưu tiên cho việc ôn luyện”, thầy Ninh nói.