Hại dạ dày
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, vì là món ăn vặt nên đa phần chị em sẽ ăn vào lúc đói. Như vậy sẽ rất hại cho dạ dày vì thành phần axit chua có trong nhót xanh cũng như gia vị sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa. Do đó nếu có nhu cầu ăn nhót xanh thì nên ăn lót dạ trước khi ăn nhót để tránh đồ ăn chua sẽ làm viêm loét dạ dày. Ngoài cách ăn nhót trực tiếp, chị em có thể sử dụng nhót để chế biến thành món ăn thơm ngon khác, vừa giúp kiềm chế được tính chua của nhót mà vẫn đảm bảo hương vị, dinh dưỡng như nấu canh chua, nấu thịt băm, kho cá...
Theo lương y Bùi Hồng Anh (Hội Đông y Việt Nam), trong y học cổ truyền, nhót có vị chua, chát, tính bình, đi vào các kinh phế, đại tràng, có tác dụng chỉ ho, chỉ tả, bình suyễn, trừ đờm. Mặc dù có chứa nhiều hợp chất có lợi cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều, bất cứ loại thực phẩm nào chứ không phải riêng gì nhót xanh, đều có khả năng gây hại sức khỏe. Vị chua, chát nổi bật ở mỗi trái nhót xanh có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa, gây đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
Do đó, đối với những người "nghiền" nhót xanh nhất định phải ăn ở mức độ vừa phải. Đối với những người mắc bệnh dạ dày, bệnh đường tiêu hóa, tốt nhất không nên thưởng thức món ăn này vì tình trạng viêm loét có thể lan rộng hơn, khó chữa trị hơn. Ngoài ra, những người mắc hội chứng ruột kích thích (thường xuyên đầy bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón đan xen) cũng không nên ăn, nhất là khi bụng rỗng. Mỗi ngày, chúng ta nên ăn không quá 7 quả nhót xanh, bà bầu, đang trong giai đoạn thai nghén cũng không nên lạm dụng.
Khi ăn nhót, nên cạo sạch bụi phấn trước khi ăn. Nếu ăn nhót trực tiếp, nên chọn những quả nhót chín mọng và chà sát cho sạch lớp bụi phấn bên ngoài để tránh viêm họng. Tốt nhất là hãy ăn nhót sau bữa cơm khoảng 30 phút.
“Trẻ em dưới 1 tuổi không nên ăn nhót do dạ dày và hệ tiêu hóa còn non nớt. Người già cũng nên hạn chế”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh