Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu rà soát kỹ các hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu có tình trạng cán bộ phường, xã cố tình làm sai thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh
Ngày 29-5, đại diện UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết UBND phường Phước Tân chuyển trả 112 hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, hợp lệ để Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và hỗ trợ tái định cư tỉnh phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan rà soát từng trường hợp, thiết lập lại hồ sơ bồi thường theo đúng quy định.
Chỉnh sửa, cạo tẩy hồ sơ!
Theo UBND TP Biên Hòa, kết quả rà soát của UBND phường Phước Tân có 112 hồ sơ bồi thường được lập tại 69 thửa đất thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua phường Phước Tân có dấu hiệu chỉnh sửa, thay đổi chủ sở hữu tài sản, giả mạo chữ ký, tẩy xóa, viết lại giấy mua bán tay, điều chỉnh thời gian sở hữu đất, tài sản nhằm hưởng lợi chính sách.
Ông Lê Kim Hường, Chủ tịch UBND phường Phước Tân, cho rằng khi phát hiện có 112 hồ sơ trên, phường đã báo cáo việc này lên thành phố. Đồng thời chủ động thông báo 112 trường hợp này để người dân cung cấp giấy tờ chứng minh tài sản.
"Đến nay, 40 trường hợp đã cung cấp được giấy tờ nhưng chỉ có 12 trường hợp chứng minh được tài sản" - ông Hường nói. Theo ông Hường, phường sẽ củng cố lại hồ sơ và báo cáo xin ý kiến Hội đồng bồi thường của thành phố theo quy định. Với các trường hợp không cung cấp được giấy tờ chứng minh tài sản trên đất, UBND phường đề xuất thiết lập lại hồ sơ, gom tất cả tài sản trên đất quy về chủ đứng tên quyền sử dụng đất. Trước đó, các tài sản này đã được Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai thiết lập hồ sơ bồi thường chuyển UBND phường thực hiện công tác xác nhận nguồn gốc nhà, đất.
Liên quan vụ việc này, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu lãnh đạo TP Biên Hòa chỉ đạo UBND phường Phước Tân rà soát kỹ các hồ sơ. Nếu có tình trạng cán bộ phường, xã cố tình làm sai thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh. "Đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ TP Biên Hòa. Nếu có tình trạng cán bộ làm sai phải xử lý nghiêm, không bao che" - ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Từng khởi tố nhiều bị can
Cũng tại tỉnh Đồng Nai, trước đó việc thực hiện công tác GPMB dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã xảy ra một số sai phạm nhằm trục lợi chính sách bồi thường.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT đang điều tra, giải quyết các vụ án "Nhận hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" liên quan dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố 6 bị can gồm Phạm Viết Mạnh (nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc UBND huyện Long Thành), Nguyễn Tấn Biên, Vũ Đức Công (công chức địa chính xã Bình Sơn), Nguyễn Thanh Văn (trưởng ấp Suối Trầu 3, xã Bình Sơn) và Nguyễn Thị Ngọc Hân (ngụ huyện Long Thành), Nguyễn Hải Lăng (tạm trú xã Bình Sơn, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bước đầu cơ quan điều tra xác định 6 người trên có liên quan sai phạm trong việc định giá tài sản trên đất khi bồi thường đất làm dự án sân bay Long Thành. Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều cá nhân có hành vi đưa hối lộ để làm sai lệch, hợp thức hóa hồ sơ nhằm trục lợi nên đang mở rộng điều tra.
Cụ thể, tháng 7-2020, Phạm Viết Mạnh được phân công làm việc tại tổ bồi thường và tham gia thực hiện dự án trên. Mạnh có nhiệm vụ kiểm đếm, áp giá, chi trả tiền bồi thường và công khai phương án bồi thường đối với các hộ dân tại xã Bình Sơn. Khi gặp một số người dân có đất mua bán bằng "giấy tay" nhờ lập hồ sơ bồi thường và cấp suất tái định cư thì Mạnh đã nhận hàng chục triệu đồng để giải quyết. Tương tự, sau khi được biệt phái về xã Bình Sơn để tham gia thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành từ tháng 7-2021, Nguyễn Tấn Biên cũng đã giới thiệu với nhiều người dân rằng mình có mối quan hệ với những người có chức vụ để có thể "lo" được các suất tái định cư.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, vào tháng 5-2023, tại dự án hồ chứa nước Hố Khế (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) có 63 công trình trái phép của 29 hộ dân xây dựng đón đầu giải tỏa nhằm trục lợi chính sách đền bù. Chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm hành chính 18 trường hợp, chuyển UBND huyện Tiên Phước 3 trường hợp với 9 công trình vi phạm do vượt thẩm quyền xử lý của UBND xã. Sau khi được vận động, nhiều người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm thì bị nhiều đối tượng hăm dọa và đốt lán trại.
Trường hợp khác là tại tỉnh Bắc Kạn, số liệu thống kê hiện trạng ban đầu của Ban Bồi thường GPMB TP Bắc Kạn (tính đến ngày 16-4-2024) có 110 hộ trong phạm vi GPMB tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn tại xã Nông Thượng và tổ 16 phường Sông Cầu. Trong số này các cơ quan chức năng phát hiện khoảng 50 hộ trồng mới cây mộc hương và rào lưới thép có biểu hiện "đón" đền bù. Tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 16-3-2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc công bố đơn giá bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì bảng giá đền bù đối với cây mộc hương mới trồng có đường kính thân dưới 2 cm là 100.000 đồng/cây; cây có đường kính từ 2-5 cm là 500.000 đồng/cây. Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang xử lý vụ việc.
Cưỡng chế các trường hợp dây dưa
Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km với diện tích cần thu hồi hơn 137 ha đất được chia làm hai dự án thành phần. Dự án ảnh hưởng khoảng 1.744 hộ, trong đó có 1.557 hộ phải tái định cư. Đến thời điểm hiện nay đã công khai và phê duyệt phương án bồi thường thành phần 1 là 652/975 trường hợp, đạt 66,68%; thành phần 2 là 1.316/1.803 trường hợp, đạt 72,3%.
Để bảo đảm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phát động các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án, hạ quyết tâm trước ngày 30-6-2024 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải bàn giao 80% mặt bằng; đối với địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành bàn giao 90% mặt bằng. Phần diện tích còn lại, những trường hợp cố tình dây dưa sẽ bị cưỡng chế trong tháng 7-2024.
N.Tuấn
Lập mộ giả đón đầu dự án
Ngày 29-5, phóng viên trở lại khu vực rừng thông của HTX Vĩnh Phước (phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) và ghi nhận hàng loạt nấm đất nghi là mộ gió, mộ giả vẫn chưa được giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước đó qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 120 nấm đất nghi là mộ giả bất ngờ xuất hiện dưới tán rừng thông của HTX Vĩnh Phước. Theo quan sát có 2 khu vực bị vun đắp, tạo lập các nấm đất, nằm cách nhau bằng một lối mòn. Các nấm đất nằm sát nhau, đường kính mỗi nấm khoảng 2 m, trông y như mộ thật. Các nấm đất này nằm cạnh các lăng mộ đã được xây dựng từ lâu.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND phường Đông Lương đã mời các hộ dân liên quan đến họp, làm rõ. Cuộc họp sau đó đã thống nhất, yêu cầu người dân tự tháo dỡ những nấm đất được vun đắp, tạo lập, trả lại hiện trạng ban đầu trong thời gian 10 ngày. Riêng một trường hợp cam đoan không phải mộ giả với số lượng trên 50 ngôi, UBND phường này đã đề nghị công an phường này xác minh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo lãnh đạo UBND phường Đông Lương, khu vực các nấm đất nghi là mộ giả mọc lên đã được lập hồ sơ kiểm đếm tài sản bị ảnh hưởng bởi một dự án đô thị sinh thái vào tháng 8-2023. Khi đó, lực lượng kiểm kê không phát hiện các nấm đất nghi mộ giả này.
Đ.Nghĩa