Với tình yêu lịch sử văn hóa Việt Nam, chàng trai trẻ Văn Duy Khang đã lập nhóm phỏng dựng các nhân vật lịch sử, nhằm lan tỏa nét đẹp của sử Việt.
Thời gian gần đây, nhóm Vi Cự Việt Nhân do Văn Duy Khang sáng lập được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ yêu mến lịch sử nước nhà. Từ các mô hình tái hiện võ tướng, tình yêu với lịch sử dần được lan tỏa rộng rãi khiến nhiều người không chỉ trầm trồ về sự tài hoa khéo léo của sản phẩm, mà còn học được nhiều điều bổ ích từ nhân vật được tái hiện.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Văn Duy Khang cho biết, cơ duyên trong việc tái hiện mô hình nhân vật lịch sử cũng khá tình cờ. Vào năm 2017 sau khi tốt nghiệp và đi làm thiết kế cho một công ty kiến trúc, Duy Khang đã tập tành làm mô hình và tình cờ được một người bạn chia sẻ về mô hình khớp 30cm (figure 1/6).
“Mình tiến hành làm thử, thời đó nhiều thứ tác động, mình vốn thích nặn, thích các thao tác thủ công từ hồi nhỏ. Nhà mình lúc đó đang xây dựng nên các phế liệu như tôn, sắt dư ra và mình tận dụng, đồng thời mẹ mình cũng có nhiều áo dài, vải vóc không dùng nên cho mình làm nguyên vật liệu để tận dụng làm mô hình”, Duy Khang cho biết.
Trùng hợp là thời điểm đó, văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nở rộ khiến rất nhiều người thích các mô hình lịch sử. Tuy nhiên, sau đó nhóm Duy Khang nhận ra là có quá nhiều mô hình về đề tài nước ngoài, trong khi nền văn hóa – lịch sử Việt Nam vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Những trăn trở ấy khiến Duy Khang quyết tìm tòi. Anh tìm đọc các tư liệu lịch sử, càng đọc càng thích, càng say mê, ngọn lửa càng lớn. Từ đó, Duy Khang nghiêm túc hơn trong các sản phẩm, mọi chi tiết đều hướng tới sự chỉn chu nên được nhiều người hưởng ứng.
“Mình chọn triều nhà Trần để thực hiện các mô hình nhân vật lịch sử, vì thời kỳ này có nhiều tư liệu. Đặc biệt thời nhà Trần, vũ khí lạnh còn hưng thịnh nên võ bị cá nhân cực kì phát triển. Triều đại đó còn có nhiều danh tướng, nhiều chiến công, nhiều mối tình cảm quân thần mà những bài học đó không bao giờ lỗi thời, nó soi chiếu đến tận thời nay, ai cũng có thể đọc, biết và thích thú, nhận ra ý nghĩa, cảm kích và rút ra nhiều bài học”, Duy Khang chia sẻ.
Đại diện Vi Cự Việt Nhân cho biết, thị trường mô hình nhân vật lịch sử khá khiêm tốn, là một ngách riêng giữa mô hình đồ chơi và lịch sử Việt Nam. Trước đây có 8K studio làm mô hình đề tài Việt Nam, trước đó có đơn vị làm về mô hình vua quan triều Nguyễn nhưng hiện tại đã dừng phát hành, gần đây thì có sản phẩm Trung Quốc làm về đề tài quân đội Việt Nam.
Vì là thị trường ngách – nhỏ nên Vi Cự Việt Nhân theo đuổi và thực hiện ý tưởng không có nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên không vì thế mà nhóm lơ là, phải luôn có ý tưởng mới, ra các mẫu mới, sản xuất ngày một chất lượng và đẹp mắt.
Duy Khang thổ lộ, kỷ niệm gần đây khi có một đơn hàng rất tự nhiên. Tình cờ có một ông khách người Mỹ chỉ đặt samurai nhưng đến khi thấy Duy Khang làm mô hình nhân vật về đề tài lịch sử Việt Nam, được nghe thuyết trình nên vị khách này đã quyết định mua sản phẩm đem về Mỹ để mở rộng kinh doanh.
Nhắc tới mô hình, nhiều người sẽ nghĩ đến art toy, tuy nhiên ở mỗi lĩnh vực lại có những đặc thù. Nhóm Vi Cự Việt Nhân chọn nhân vật lịch sử, tức là chọn sự nghiêm túc. Bởi vậy, sự chuyển thể từ nhân vật thật sang mô hình cũng đòi hỏi sự chính xác. Ngay trong trang phục, nếu như nhân vật mặc như nào thì mô hình cũng tương tự.
“Như mặc áo vải lót bên trong thì mình cũng phải biết may, những quần áo nhỏ lại, song các chi tiết giáp gồm những mảnh nhỏ thì phải tự tay tỉ mẩn thực hiện từng công đoạn, xỏ lỗ để kết chúng lại, sau đó làm viền da và vải. Các chi tiết quá nhỏ thì sẽ can thiệp bằng vẽ 3D, sau đó tô màu rồi đính vào mô hình”, Duy Khang cho hay.
Khi nghiên cứu, thiết kế các mô hình phục dựng, tái hiện về những danh nhân, danh tướng Việt Nam với trang bị, giáp phục trong các triều đại phong kiến. Vi Cự Việt Nhân đã tham khảo từ những trích dẫn tài liệu ghi chép trong chính sử, như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục; các thư tịch cổ về ngoại giao thời phong kiến.
Vi Cự Việt Nhân cũng tham khảo, nghiên cứu các hiện vật khảo cổ trong các trưng bày tại bảo tàng, các tác phẩm tượng, điêu khắc, phù điêu trong đình chùa, lăng tẩm như tượng Hộ pháp trong chùa Long Đọi (Bắc Ninh), tượng tướng sĩ trong lăng tướng công Lê Trung Nghĩa…
Kể cả tham khảo các tranh vẽ cổ của người Việt như tác phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”; tranh vẽ, ghi chép của người nước ngoài khi tới nước ta của sứ thần, thương gia Trung Quốc, tranh vẽ ký họa của Baron Samuel khi du hành tới Đàng Ngoài.
“Ngoài làm các sản phẩm nhỏ, Vi Cự Việt Nhân đang đầu tư để làm thêm các mẫu giáp lớn, phục vụ cho các sự kiện văn hóa, hóa trang, phim ảnh trong tương lai, các chất liệu có thể là kim loại, nhựa, gỗ biến tấu tùy mục đích sử dụng”, Văn Duy Khang cho hay.
Để lan tỏa tình yêu sử Việt, Vi Cự Việt Nhân cũng tổ chức các buổi workshop làm bộ giáp mô hình, triển lãm giới thiệu mô hình thực tế về trang phục Việt Nam các thời kỳ, các tiêu bản hiện vật văn hóa. Đồng thời, tham gia các hoạt động kết nối chất liệu văn hóa Việt với cộng đồng sáng tạo trẻ trong nước và quốc tế, như Tuần lễ Văn hóa và sáng tạo “Trống khởi cờ reo” vào đầu tháng 1/2025 vừa qua.
“Thực hiện mô hình tái hiện về lịch sử, khó tránh khỏi sai sót cũng như những tranh cãi. Mặc dù trong các bài viết của nhóm thì mình luôn có dẫn chứng để giải thích rõ hơn. Tuy nhiên, mình luôn lắng nghe, tiếp thu để định hướng xây dựng hình tượng nhân vật được đẹp nhất, thú vị nhất nhằm lan tỏa hơn nữa tình yêu lịch sử với mọi người”, Văn Duy Khang – nhà sáng lập Vi Cự Việt Nhân chia sẻ.