Một ví dụ cho quan điểm này là việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao gần đây giữa Saudi Arabia và Iran trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, hay quyết định của Liên đoàn Arab khôi phục tư cách thành viên của Syria, chủ yếu nhờ vào sáng kiến do Saudi Arabia - UAE hậu thuẫn. Điều này xảy ra bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Phá vỡ các liên minh truyền thống
Rõ ràng, các quốc gia vùng Vịnh ngày nay đang có xu hướng cam kết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng trực tiếp, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc làm lung lay các liên minh truyền thống.
Giảm sự phụ thuộc của khu vực vào doanh thu từ dầu mỏ là một thách thức quan trọng khác, đặc biệt đối với Saudi Arabia. Nhiều dự án lớn đã xuất hiện ở Saudi Arabia như một phần trong kế hoạch chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng nhằm tăng cường đa dạng hóa và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng cần lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có lập trường ít thiện chí hơn đối với Saudi Arabia thời gian gần đây. Tổng thống Biden đã kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ sau khi Vương quốc này và OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 10/2022, khiến giá năng lượng sau đó tăng vọt ở châu Âu.
Do đó, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đều hy vọng tận dụng khoảng trống quyền lực do xung đột Nga - Ukraine tạo ra, để phá vỡ trật tự với các đồng minh lịch sử và mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Với Macroc, nước cũng đã quan tâm đến việc gia nhập BRICS, động lực chuyển dịch trật tự toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nước này khi cố gắng duy trì mối quan hệ với châu Âu và Mỹ, đồng thời tham gia quan hệ đối tác thương mại chiến lược với các nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Về phần mình, vào tháng 8/2022, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Lời đề nghị trở thành thành viên của Algeria đã được Nga và Trung Quốc chính thức xác nhận.
Algeria coi BRICS là sự tái sinh của phong trào không liên kết và Tổng thống Algeria cho rằng việc gia nhập khối này sẽ khiến Algeria, quốc gia được coi là "tiên phong của phong trào không liên kết", tránh khỏi "sức hút từ hai cực". Algeria đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng trước.
Tóm lại, chuyên gia Benhizia kết luận, không giống như nỗ lực của chế độ quân chủ vùng Vịnh, đề nghị trở thành thành viên của Algeria mang tính chính trị hơn là kinh tế. Với bối cảnh quốc tế đã phát triển đáng kể và khái niệm "thế giới thứ ba" nhường chỗ cho khái niệm "Nam bán cầu", Algeria coi nhóm các cường quốc mới nổi là sự tái sinh của phong trào không liên kết, mà nước này từng là tiên phong trong thời kỳ hoàng kim của phong trào đó.