Terry Reintke, nghị sĩ EU người Đức, đồng lãnh đạo đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu, nói với đài phát thanh Đức: “Tôi kỳ vọng rằng Ba Lan sẽ trở thành một đối tác mang tính xây dựng và sự thay đổi trong chính phủ sẽ củng cố vị thế của nước này ở châu Âu. Ba Lan là một nền dân chủ cực kỳ phù hợp với châu Âu".
Mối quan hệ Đức - Ba Lan đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây trong bối cảnh các nhà lãnh đạo PiS liên tục yêu cầu Đức phải trả hơn 1 nghìn tỷ euro tiền bồi thường chiến tranh. Tình cảm chống Đức cũng thúc đẩy chiến dịch bầu cử của PiS, bao gồm cả những cáo buộc thường xuyên rằng Donald Tusk, lãnh đạo KO và có thể trở thành thủ tướng tiếp theo, là một “đặc vụ Đức”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tìm cách cải thiện quan hệ với Ba Lan vào năm ngoái, tới Warsaw vào ngày quốc khánh như một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng đối với một đồng minh và láng giềng quan trọng.
Tuy nhiên, thay vì hoan nghênh cử chỉ này, lãnh đạo của PiS đã trình bày với bà Baerbock một dự luật về "tội ác chiến tranh" của Đức Quốc xã. Với lịch sử đó, các chính trị gia Đức thuộc mọi thành phần khác nhau đã kêu gọi chính phủ của họ nắm bắt thời cơ và đưa mối quan hệ theo một hướng mới.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Xã hội Metin Hakverdi, thành viên ủy ban EU của quốc hội Đức, viết: “Đức nên bắt đầu sáng kiến hồi sinh quan hệ song phương nếu có sự thay đổi trong Chính phủ Ba Lan”, đồng thời nói thêm rằng việc tăng cường hợp tác an ninh phải là trọng tâm: "Trong khuôn khổ NATO, thông điệp nên là: Đức cảm thấy có trách nhiệm đối với an ninh của Ba Lan!”.
Katja Leikert, một thành viên quốc hội Đức thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, người có ghế trong ủy ban quan hệ đối ngoại, cho biết kết quả bầu cử mới trên “mang lại hy vọng” cho châu Âu. Bà nói: “Một lần nữa có được một chính phủ ủng hộ dân chủ và thân châu Âu ở Warsaw sẽ có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng này”.
Rolf Nikel, trong nhiều năm với cương vị là Đại sứ Đức tại Warsaw, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, khi nói với đài truyền hình công cộng Đức: “Cử tri Ba Lan đã tạo ra mùa Xuân vào giữa tháng 10”.
Quan điểm trên cũng được lặp lại ở Brussels, nơi lãnh đạo phe đối lập Ba Lan Donald Tusk là một nhân vật nổi tiếng, từng giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu từ năm 2014 đến năm 2019. Các quan chức và chuyên gia EU hy vọng rằng chính phủ trung hữu mới của Ba Lan sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng hơn ở Brussels.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết: “Kết quả trên sẽ giúp EU hoạt động tốt hơn, nơi EU thực sự phản ánh các giá trị và nguyên tắc của mình, đặc biệt là sự đoàn kết và trách nhiệm. Việc từ chối các chính sách cực hữu sẽ được dùng làm ví dụ cho những người khác và điều này hy vọng sẽ dẫn đến việc EU trở nên mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa địa chính trị”.
Theo Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Eurasia Group ở châu Âu, ông Tusk sẽ có “tiếng nói lớn trong Hội đồng châu Âu” và ông ấy có thể lấp đầy “khoảng trống trong Hội đồng châu Âu về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người có thể thúc đẩy cuộc tranh luận mang tính xây dựng”.
Việc đảng của ông Tusk trở lại nắm quyền ở Warsaw cũng là một động lực cho Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), liên minh trung hữu mạnh mẽ mà Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cũng ca ngợi. Một quan chức EU khác cũng giấu tên cho biết: “[Ông Tusk] sẽ là nhà lãnh đạo EPP quan trọng nhất” tại Hội đồng châu Âu. EPP có nhiều nhà lãnh đạo trong [Hội đồng] - nhưng ông ấy sẽ là người duy nhất đến từ một nước lớn”.
Kết quả của cuộc bầu cử Ba Lan làm thay đổi sự cân bằng của Hội đồng châu Âu và cuối cùng có thể nâng cao triển vọng giành được nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Chủ tịch Ủy ban châu Âu sau cuộc bầu cử ở EU vào tháng 6 tới của bà Leyen.