Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 178 BLHS 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Như vậy, giá trị tài sản bị làm hư hỏng hoặc hủy hoại phải trong khoảng từ 2 - dưới 50 triệu đồng.
Nếu thuộc các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… thì dù giá trị tài sản bị hủy hoại dưới 2 triệu vẫn bị xử lý hình sự về tội này.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Như vậy, hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy theo tính chất của hành vi, mức độ tài sản bị thiệt hại, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.
Trong vụ việc tài xế xe ô tô Mazda Nguyễn Lê Tuấn Đức cầm dao chém rách lốp xe buýt, Hội đồng định giá tài sản đã xác định tài sản bị hủy hoại có trị giá 18 triệu đồng. Do đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này có thể bị xử lý theo Khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm, luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.