Trường học bán trú - mô hình dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng xa có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các em không những được nuôi ăn, ở tại trường, có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, mà còn thoát được nỗi lo, vất vả “ngược sơn” mỗi khi kết thúc buổi học. Năm đầu gộp 2 cấp học, Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 502 học sinh. Nhà trường luôn chú trọng đến công tác bán trú để các em thấy được môi trường học tập giống như “ngôi nhà thứ 2”.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ quản lý để kèm cặp, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh bán trú. Từ kỹ năng nhỏ nhất đến việc theo dõi, nắm bắt tính cách, những khó khăn mà từng em gặp phải. Từ đó có biện pháp động viên, giúp đỡ cụ thể”.
Em Tẩn San Mẩy, lớp 7A, Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Hua Bum chia sẻ: “Nhà em ở bản Nậm Cười, rất xa trường nên em được ở lại bán trú. Đến trường chúng em không chỉ được học chữ, mà còn được vui chơi cùng bạn bè”.
Theo thầy Nguyễn Thành Long, năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ có 573 học sinh thì 350 em thuộc diện bán trú. Dù còn nhiều khó khăn, các thầy cô luôn xác định phải làm tốt công tác bán trú để học sinh đến trường thấy vui, đầy đủ hơn ở nhà. Có như vậy, công tác duy trì sĩ số mới đạt hiệu quả.
Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 19 lớp với 446 học sinh, 256 học sinh bán trú. Trong đó, có 39 em được hưởng chế độ theo Nghị định 116 và 202 em hưởng chế độ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Lai Châu, còn lại là bán trú dân nuôi.
Cô Phìn Mai Phương, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Có 27 học sinh lớp 1 ở bán trú. Việc dạy các em khá vất vả, đặc biệt với học sinh ở thôn, bản đưa xuống chưa nói sõi tiếng phổ thông. Xa nhà, ở bán nên các em còn ngượng ngùng, thiếu tự giác trong vệ sinh cá nhân cũng như nhiều việc khác. Chúng tôi giao thầy cô chủ nhiệm và học sinh lớp 4, 5 hướng dẫn các em làm quen dần với từng công việc. Hy vọng sau vài tuần nữa các em sẽ thích nghi với môi trường sinh hoạt, học tập mới”.
Em Lý Ngọc Khánh, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết là anh trai của Lý Đình Hiếu mới vào lớp 1. Hai anh em được nhà trường xếp cho ở cùng phòng, giường để anh giúp đỡ em trong sinh hoạt, học tập. “Chúng em được ở cùng giường nên mọi sinh hoạt của Hiếu em có thể giúp đỡ. Em cũng có thể tranh thủ kèm học và chơi với em…” – Khánh chia sẻ.
“Những giải pháp của nhà trường sẽ giúp học sinh dân tộc tiếp cận nhanh nhất nội quy bán trú, tăng khả năng học hỏi và nhận sự giúp đỡ từ anh chị khóa trên. Ở cấp tiểu học, một số học sinh được ở bán trú, đây là điều kiện thuận lợi để các em hòa nhập nhanh hơn khi bước vào môi trường cấp THCS” – thầy Long chia sẻ.