Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền ngay sau ngày khai giảng năm học mới. Học sinh nhiều tỉnh thành phía Bắc phải nghỉ học để tránh bão.
Thành phố ngổn ngang, tơ táp. Biển hiệu rơi, mái tôn lật, cây xanh gãy cành, bật gốc nằm ngổn ngang. Trong tình hình đâu đâu cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, các nhà trường đã huy động thầy cô đến dọn dẹp để nhanh chóng đón học sinh trở lại. Một số phụ huynh và học sinh ở gần cùng tình nguyện đến chung tay dọn dẹp trường lớp.
Buổi học đầu tiên của cô trò tôi sau bão không phải là những trao đổi bài vở quen thuộc mà là những câu chuyện với muôn vàn biểu cảm khác nhau của học sinh khi trải nghiệm thực tế ở tâm bão. Các em kể, các em tả, các em bình luận về cơn “siêu bão” lịch sử. Cảm giác chung của học trò là kinh hoàng nhưng vẫn xen phần phấn khích vì lần đầu tiên các em tận mắt chứng kiến sự nổi dậy của thiên nhiên mà ngỡ chỉ thấy trong phim ảnh. Cô trò tôi động viên nhau đi lại cẩn thận, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng chống trước, trong và sau bão.
Bão qua, lũ về. Những ngày này báo chí liên tục đưa tin lũ lụt, sạt lở diễn ra ở khắp nơi thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc. Đã có những thiệt hại về người và rồi những tin tức cứ đau thương nhiều dần lên. Tận cùng của sự đau thương khi báo chí đưa tin sạt lở núi đã xóa sổ cả ngôi làng bình yên - Làng Nủ (Lào Cai). Hoạt động học tập của cô trò tôi vẫn diễn ra nhưng học sinh đến lớp trầm lắng hẳn. Những cảnh tượng mà chỉ một hai hôm trước các em nghĩ là kinh hoàng nhất do bão Yagi gây ra như: Xe đổ, người ngã, mái nhà bay, cột điện gãy, cây bật gốc thì nay những cảnh đó chẳng thấm vào đâu trước nỗi đau mất mát con người mà nhiều tỉnh thành miền Bắc đang hứng chịu.
Mấy ngày này, trước mỗi tiết giảng, cô trò tôi dành một chút thời gian cùng nhau hướng lên màn hình ti vi treo trước lớp để cập nhật tin tức bão lũ. Qua những hình ảnh chân thực nhất do các phóng viên báo chí đưa tin, các em sẽ thấu hiểu và cảm thông, sẻ chia nỗi đau mất mát với những người dân đang gánh chịu hậu quả nặng nề. Có những ánh mắt đỏ hoe, có tiếng sụt sịt đồng cảm ở phía dưới. Nỗi đau mất mát trong bão lũ chưa bao giờ cụ thể đến thế. Tất cả đều nhận ra rằng, khi thiên nhiên nổi giận, con người chúng ta thật nhỏ bé.
Khắp miền Bắc, nước các con sông lớn ngày càng dâng cao, nguy cơ vỡ đê, tràn đê hiện hữu. Cấp độ đo mực nước tại đây thay đổi theo giờ. Đã có cây cầu bị sập. Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bắc qua sông Hồng sụp đổ kéo theo nhiều người và phương tiện đang lưu thông phía trên, khiến mọi người bàng hoàng. Để đảm bảo an toàn trong bão lũ, hàng loạt cây cầu bắc qua sông lớn ở các tỉnh phía Bắc đã cấm người xe qua lại.
Ở thành phố Bắc Ninh, mực nước sông Cầu dâng cao liên tiếp nhiều ngày liền trên mức báo động 3. Cầu Đáp Cầu có lệnh cấm lưu thông. Có những em học sinh đi học trên tuyến cầu này phải vòng quãng đường xa hơn nên bị muộn hoặc phải nghỉ học. An toàn tính mạng là trên hết, vậy nên học sinh được khuyến khích ở nhà, chờ bão lũ qua khi giao thông chia cắt, điều kiện đi lại không đảm bảo. Nước sông Cầu vẫn dâng, một vài khu vực trũng thấp ven đê được lệnh di dời. Nước tràn vào nhà. Buổi học sáng hôm đó, tôi đọc tin nhắn của phụ huynh mà lòng nặng trĩu: “Xin phép cô cho em Tài về chuyển đồ đạc, nhà tôi nước đang tràn vào”. Tất tả chạy lên lớp thông báo cho học sinh mà thương học trò quá! Cả lớp đồng thanh: “ Tài ơi cố lên”, như muốn tiếp thêm sức mạnh cho bạn trước khi bạn cùng gia đình đối diện với trận chiến nước dâng.
Thế rồi ngay đêm hôm ấy, nhiều khu vực thuộc thôn Đẩu Hàn, phường Hòa Long có nguy cơ bị nước bủa vây. Cả đêm người dân thức trắng chuyển đồ, kê cao vật dụng. Sáng hôm sau, vài ba học sinh trong khu vực bị ảnh hưởng phải xin nghỉ học bởi các em quá mệt sau một đêm vất vả. Lớp học trống trải hơn, không khí cũng buồn hơn. Trên khuôn mặt ai cũng tỏ rõ sự lo lắng. Dưới lớp, Nhất, cậu học trò nhà ở thôn Đẩu Hàn vẫn đi học. Cả đêm thức bươn bả với nước, giờ cậu đang gục ngủ ngon lành. Tuổi ăn tuổi lớn sao chịu được khi thiếu ngủ? Bài học hôm nay chẳng thể vào đầu Nhất, nhưng không sao, bài có thể học sau, cứ để cậu ngủ thêm một chút cho lại sức. Chắc chắn với cậu và gia đình trận chiến nước lũ chưa chấm dứt.
Mực nước sông Cầu vẫn dâng. Người dân có tâm lý tích trữ lương thực dù Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai của thành phố phát đi thông báo “mực nước sông Cầu dâng cao trên báo động 3 nhưng hệ thống đê điều vẫn trong tầm kiểm soát, người dân không nên hoang mang”. Bên kia sông Cầu, làng Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang) nước đã ngập tầng một nhà dân. Nước ở thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về. Giữ đê lúc này là giữ tính mạng cho nhân dân toàn thành phố. Lực lượng chức năng túc trực ngày đêm, nước dâng lên đến đâu, đoạn đê xung yếu được đắp đến đó. Đoạn đê thuộc thôn Đẩu Hàn, lực lượng chức năng cùng nhân dân đã khuân vác những bao cát gia cố đê suốt nhiều giờ. Sức người có hạn, sức nước vô biên. Sau lời kêu gọi của cộng đồng mạng: “Ngay lúc này đê Đẩu Hàn đang rất cần một lực lượng thanh niên lên đắp đê chống tràn” thì nhiều bạn trẻ khắp thành phố đã có mặt. Thật vui vì trong số ấy có không ít học sinh, sinh viên. Bài học về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái chẳng ở đâu xa, nó ở trong chính hành động của các em.
Sau bão. Hậu quả thật thảm khốc. Nhiều học sinh vùng cao vĩnh viễn không còn cơ hội đến trường. Có em trở thành trẻ mồ côi sau một đêm kinh hoàng…Thiệt hại, mất mát, nỗi đau tinh thần không thể tả hết. Sự sẻ chia lúc này là rất cần thiết. Hưởng ứng lễ phát động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong toàn ngành, chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, cô trò tôi bảo nhau có ít góp ít, có nhiều góp nhiều.
“Khó khăn không trường tồn chỉ có con người cứng rắn trường tồn”. (Robert Schuller). Học trò ơi, hãy thể hiện chúng ta là những con người cứng rắn. Bão lũ qua rồi, chúng mình đến trường thôi.