Theo học các ngành “hot”, sinh viên ra trường thường dễ xin việc, thu nhập cao. Do đó, theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, tâm lý muốn theo các ngành “hot” của nhiều thí sinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều em lo ngại không trúng tuyển do điểm chuẩn các ngành “hot” thường cao. Chọn ngành học gần là giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển.
ThS Phạm Thái Sơn giải thích, bên cạnh khối lượng kiến thức giáo dục đại cương giống nhau ở hầu hết ngành học; những ngành gần, cùng lĩnh vực có khối lượng kiến thức cơ sở, kiến thức ngành giống nhau 50 - 70%. Chẳng hạn ngành Quản trị kinh doanh và Marketing có khối lượng kiến thức cơ sở khá giống nhau, chỉ khác ở các môn chuyên ngành.
Điều này cũng tương tự với ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế… Cơ hội việc làm ở các ngành cùng lĩnh vực khá tương đồng. “Hiện nay, sinh viên được đăng ký học theo tín chỉ nên có thể bổ sung những môn học ở ngành khác để nâng cao, củng cố kiến thức, kỹ năng. Do đó, khi học các ngành gần, thí sinh có thể học thêm môn chuyên ngành ở ngành mình yêu thích”, ThS Sơn cho biết.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, các ngành học gần không giảm độ “hot” dù thị trường lao động có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn, Công nghệ tài chính - ngành kết hợp tài chính và công nghệ - là ngành “hot” trong bối cảnh chuyển đổi của ngành ngân hàng trên nền tảng công nghệ số.
Tuy nhiên, ngay cả những ngành có từ trước đó, như Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Quản trị kinh doanh hay Kinh tế quốc tế... không vì thế mà giảm độ “hot” trong thị trường lao động. Bởi thực tế, nhiều trường đại học có sự đổi mới chương trình đào tạo các ngành này khi tích hợp môn học “số”, giúp người học đủ khả năng giải quyết công việc trong ngân hàng, doanh nghiệp, nền kinh tế số.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy khuyên, việc đầu tiên thí sinh cần xác định là năng lực, sở trường và đam mê cống hiến nghề nghiệp trong tương lai. Sau đó, thí sinh phân tích các ngành học có phù hợp với định hướng sự nghiệp của bản thân cũng như chương trình đào tạo, môn học cốt lõi của ngành mình dự định đăng ký theo học.
Các em nên xem xét kỹ sự khác biệt ở nhóm kiến thức chuyên ngành giữa ngành “hot” và ngành gần để đưa ra lựa chọn đúng, phù hợp năng lực bản thân. Đồng thời, thí sinh nên tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp khi theo học những ngành “hot” hay ngành gần.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, thí sinh cần có chiến lược đạt mục tiêu lựa chọn ngành, trường học, dựa trên các yếu tố học lực, học phí, đam mê; tránh chạy theo xu hướng đám đông. “Khi định được trường theo học, nếu có điều kiện, hãy dành thời gian đến tham quan cơ sở vật chất, tham khảo ý kiến từ chính sinh viên đang học tại trường để có được cơ sở đưa ra quyết định tốt nhất”, PGS Thụy nói.