Tăng cường kĩ năng, giải tỏa tâm lý học trò sau đại dịch

Đức Trí | 28/09/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau 2 năm giáo dục ảnh hưởng dịch bệnh, các trường học không chỉ có nhiệm vụ dạy kiến thức mà còn phải tăng cường kĩ năng, tháo gỡ tâm lý học trò.

Bù lấp giáo dục trải nghiệm

Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (Thành phố Bắc Ninh) trao đổi: Tuy năm học trước việc dạy, học có chịu ảnh hưởng dịch bệnh song cơ bản học sinh vẫn đáp ứng được yêu cầu kiến thức cần đạt. Không những thế, trong hè trường củng cố kiến thức cho những học sinh tiếp thu chậm, do đó chất lượng các khối lớp vào năm học mới đều đảm bảo.

Tuy nhiên cô Thủy cho rằng năm học diễn ra trong dịch bệnh nên hầu hết hoạt động dạy học diễn ra trong phạm vi trường, lớp học, có thời điểm học trực tuyến. Hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, trải nghiệm… cắt hoàn toàn để đảm bảo an toàn phòng dịch. Vì vậy, bước vào năm học mới trong bình thường trường đề cao và yêu cầu giáo viên tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, học theo chuyên đề để cân bằng lý thuyết và thực tế. Dạy học trải nghiệm phong phú góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện.

Cô Nguyễn Lan Phương, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng trẻ 5 tuổi trước khi bước vào lớp 1 (ở Hà Nội) nghỉ học tại nhà phòng dịch nên hoạt động trải nghiệm, làm quen trường lớp, chuyên đề giáo dục ngoài thực tế, các trường Mầm non đều phải tạm gác hoặc chỉ được xem video. Vì vậy, học sinh bước vào lớp 1 giảm độ tự tin đáng kể, các em cũng hạn chế những kĩ năng sống khi thiếu hoạt động trải nghiệm…

Với thực tế đó, sau khai giảng giáo viên đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh làm quen các kĩ năng cơ bản của tiểu học. Cụ thể như cho tìm hiểu các phòng chức năng; phòng y tế chỗ nào; Hướng dẫn vị trí khu vệ sinh và làm quen cách dùng thiết bị; cách tự đi vệ sinh, rửa tay sinh đúng cách. Dạy cách xếp hàng, chào hỏi, nhớ vị trí lớp học, việc tự ăn, ngủ khi bán trú; cách giao tiếp với thầy cô, bạn bè; Hiểu các quy ước, yêu cầu của giáo viên trong giờ học…

Tăng cường kĩ năng, giải tỏa tâm lý học trò sau đại dịch ảnh 1

Trao đổi cùng thầy cô, chuyên gia giúp học sinh tăng cường giao tiếp, nói lên những điều mong muốn trong học tập.

“Việc dạy kĩ năng qua hoạt động trải nghiệm không thể không triển khai. Đây được xem như nền móng để học sinh lớp 1 có thể học tốt ở những năm tiếp theo…”, cô Phương khẳng định.

Theo cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) để phòng chống dịch bệnh nên nhà trường chỉ triển khai các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm theo quy mô nhỏ (nhóm lớp) và tại trường. Vì vậy, chưa thể phát huy tối đa hiệu quả giáo dục trải nghiệm năm học qua.

Năm học này trường tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm mang tính tập thể, quy mô theo trường hoặc khối ngay từ đầu năm. Mỗi tháng sẽ tổ chức 1-2 hoạt động ngoại khóa theo chủ đề phù hợp (Lễ hội trăng rằm; giáo dục An toàn giao thông; Thoát nạn, thoát hiểm…). Trong học kỳ I, hoạt động thăm quan, trải nghiệm trong và ngoài địa phương cũng sẽ khởi động triển khai để bù đắp thiếu hụt của hoạt động ngoại khóa từ năm học trước.

Ổn định tâm lý học trò

Có thể thấy học sinh các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, dạy và học chuyển sang trực tuyến gần 100% thì sự ảnh hưởng về tâm lý, thói quen, kĩ năng giao tiếp… có sự thay đổi, tác động tiêu cực rất rõ. Khi trở lại học tập trong bình thường đòi hỏi giáo viên phải hết sức quan tâm để cân bằng tinh thần học trò. Giảm tối đa những tác động tâm lý khi thay đổi cách học; Nhà trường, thầy cô cần chủ động hỗ trợ học sinh trước những biến động tâm lý, nhận thức.

Theo cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) học tập trực tuyến trong quá trình dài đã khiến không ít học sinh từ năng động, linh hoạt, giao tiếp hoạt bát thành lầm lì ít nói, ngại tương tác trực tiếp, có biểu hiện trầm cảm ban đầu...

Như vậy bước vào năm học, không chỉ dạy kiến thức mà còn đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động học nhóm, cho học sinh cùng bàn luận trao đổi… để “lôi” các em vào guồng giao tiếp, suy nghĩ, tương tác tập thể. Mặt khác, để hỗ trợ tâm lý học sinh giáo viên cũng chủ động quan sát và tổ chức các hoạt động dạy học phong phú hơn, có thể học mà chơi, học qua trải nghiệm, đóng kịch, thuyết trình…

Quá trình dạy học, giáo viên tăng cường trao đổi cùng học trò, giúp các em mạnh dạn hơn, chủ động trong cả học tập và đời sống. Việc cân bằng lại tâm lý, thói quen cho học trò cần được giáo viên quan tâm chú trọng, nắm sát các diễn biến tâm lý để kết hợp cùng gia đình giáo dục hỗ trợ…

Cô Tô Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng cho biết, sau 2 năm học dịch bệnh học sinh có xu hướng thu mình trong giao tiếp, học tập ở không gian nhỏ. Thậm chí nhiều em nói rằng muốn trở lại học trực tuyến vì đã hình thành thói quen ở nhà… Do đó, từ đầu năm học mới nhà trường đã đặc biệt chú trọng tới công tác ổn định tâm lý học sinh trong học tập.

Tăng cường kĩ năng, giải tỏa tâm lý học trò sau đại dịch ảnh 2

Các hoạt động trải nghiệm giúp giáo dục toàn diện.

Ngoài việc tăng cường hoạt động tập thể, ngoại khóa tạo cơ hội giao tiếp, gắn bó trường còn chú trọng giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học trò tiếp cận với kiến thức không căng thẳng áp lực.

Đặc biệt để nắm bắt tâm lý học đường, có giải pháp hỗ trợ kịp thời trường yêu cầu nhân viên chuyên trách tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm tự đọc và nâng cao chuyên môn để sẵn sàng hỗ trợ học trò; Cùng đó phát huy vai trò của ban cán sự lớp trong việc nắm bắt hành vi, thái độ, bất thường của học sinh.

“Biến” ban cán sự lớp thành cầu nối, “cánh tay phải” để tiếp nhận thông tin, hiểu được tinh thần, tâm lý tình cảm, mong muốn của học sinh. Khi tâm lý học sinh có biểu hiện cần hỗ trợ, giáo viên phải trao đổi cùng nhà trường, chủ động làm tốt công tác tư vấn hoặc tìm ra biện pháp tháo gỡ, ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra hiện tượng tâm lý tiêu cực trong học trò…

“2 năm đại dịch như một cú hích làm thay đổi tâm lý học trò. Có những em bắt nhịp được và phát triển theo chiều hướng tích cực, trở thành học sinh toàn cầu, học tập không biên giới. Ngược lại có nhiều em không bắt nhịp kịp, bị tụt lại, cảm giác vô vọng, trống rỗng, mất phương hướng. Thậm chí bị tự kỷ, rối loạn tâm lý, tinh thần tiêu cực... Như vậy, việc ổn định tâm lý học trò, đưa dạy và học tập trở lại bình thường là vấn đề cần được nhà trường hết sức quan tâm, chú trọng và nỗ lực bằng nhiều cách…”, cô Tô Bích Liên khẳng định.

Bài liên quan
Tăng cường kỹ năng làm Toán sau khi có đề minh họa
Nếu đặt mục tiêu từ 9 điểm Toán trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, học sinh cần tăng cường các kỹ năng làm bài và các dạng toán vận dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường kĩ năng, giải tỏa tâm lý học trò sau đại dịch