Mặc dù đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ nêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn những khó khăn, hạn chế; việc thực hiện trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với nội dung nêu trên của các địa phương theo phân cấp của Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn hạn chế, thiếu kết quả; công tác xử lý sau thanh tra còn chưa triệt để.
Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này và phương hướng thực hiện trong thời gian tới như sau:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã được Chính phủ phân công, phân cấp cho Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và các địa phương tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn (trong đó có việc lựa chọn sách giáo khoa) thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát quy định pháp luật còn bất cập trong thanh tra, kiểm tra về công tác biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa; có chế tài xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục ưu tiên xây dựng định hướng chương trình thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có nội dung về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực ưu tiên nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định để các chủ thể quản lý và xã hội giám sát.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý.