Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.
Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người đã để lại các hố sâu gây nguy hiểm mà không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Để phòng tránh nguy cơ đuối nước, học sinh không được tắm, bơi ngoài sông, suối hay ở những vùng nước sâu, chảy xiết khi không có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm; không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ. Các em nhỏ không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối hay những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
Tại đây, học sinh cũng được hướng dẫn các cách để xử lý tình huống nếu gặp phải một vụ đuối nước. |
Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước. Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn cảnh báo nguy hiểm tại các sông suối, ao hồ.
"Để phòng tránh nguy cơ đuối nước, các bậc phụ huynh cần tăng cường nhắc nhở con em mình luyện tập kỹ năng bơi lội ở những cơ sở dạy bơi có uy tín. Ở đó sẽ có sự hướng dẫn của thầy cô dạy bơi giúp các em trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống đuối nước. Từ đó để cho các em có một có kỳ nghỉ hè thực sự vui vẻ, an toàn và bổ ích" - cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.