Tăng học phí, học sinh nghèo 'đứng ở đâu'?

30/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thông tin thành phố Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới từ năm học 2023 - 2024 đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Tăng học phí, học sinh nghèo 'đứng ở đâu'?  ảnh 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tăng học phí có tăng chất lượng giáo dục?

Trước thông tin thành phố Hà Nội dự kiến áp dụng mức thu học phí mới, anh Nguyễn Văn Hiền (quận Đống Đa) nhìn nhận, đây là mức thu phù hợp với thu nhập của người dân trên địa bàn thành phố. “Theo tôi tìm hiểu, lộ trình tăng học phí được áp dụng từ năm ngoái chứ không phải năm nay mới bắt đầu. Tuy nhiên, năm trước do có ngân sách thành phố hỗ trợ nên người dân cảm giác như chưa tăng. Khi học phí tăng, gia đình sẽ mất thêm khoảng 1 triệu đồng để đóng tiền học cho con/năm, đây là khoản tiền có thể chấp nhận được”, anh Hiền nói.

Còn chị Nguyễn Phương Mai (quận Đống Đa) nêu ý kiến: Nhiều người sẵn sàng cho con học tại trường tư với học phí hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Mức học phí trường công so với trường tư rõ ràng thấp hơn rất nhiều. Người dân sẵn sàng đóng học phí cao hơn nhưng đồng thời mong muốn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Giảng dạy ở trường phổ thông thuộc huyện Chương Mỹ, thầy Phùng Đức Tăng chia sẻ: Lương giáo viên hiện nay thấp hơn so với mặt bằng chung trong khi đó yêu cầu đối với ngành GD càng ngày càng nhiều. Tăng học phí phần nào đó sẽ cải thiện đời sống của giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Đây là việc nên làm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, vẫn còn nhiều băn khoăn vì những tác động xã hội của việc tăng học phí. Chị Trần Thanh Lam có con học lớp 2 và lớp 6 tại quận Hà Đông chia sẻ: Sau dịch Covid-19, gia đình gặp nhiều khó khăn. Thu nhập giảm hơn trước, trong khi đó giá cả lại leo thang, tiền điện nước cũng tăng. Tăng học phí rõ ràng sẽ thêm gánh nặng cho gia đình.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhâm (huyện Đông Anh) đều làm công nhân tại khu công nghiệp với thu nhập bấp bênh, tiền kiếm được hàng tháng chỉ đủ ăn và nuôi con. Việc tăng học phí chắc chắn khiến gia đình gặp khó khăn hơn, bởi gia đình không thuộc diện hộ nghèo nên không nhận được hỗ trợ; con đi học cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ học phí.

Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, lộ trình tăng học phí cần đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục mới đủ cơ sở để thuyết phục phụ huynh. Mặt khác, đời sống của nhiều gia đình hiện còn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, suy thoái kinh tế nên tăng học phí là cần thiết nhưng không nên tăng mạnh, cần có lộ trình và phải đánh giá được tác động xã hội mà nó mang lại.

Trước đó tại cuộc họp ngày 10/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm này. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục sẽ không giảm, nhưng không cào bằng, dàn trải. Với việc thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách Nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tang-hoc-phi-hoc-sinh-ngheo-dung-o-dau-post640898.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tang-hoc-phi-hoc-sinh-ngheo-dung-o-dau-post640898.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng học phí, học sinh nghèo 'đứng ở đâu'?