Tăng học phí - khoảng lặng hậu Covid-19

Hiếu Nguyễn | 15/06/2022, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tăng học phí trong giai đoạn hiện nay được cho là cần thiết, đúng lộ trình, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường.

Trần Huyền My, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) dự định năm nay xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. Nhà chỉ có mẹ là lao động chính, lại có em trong độ tuổi đi học, My lo lắng khi nghe thông tin trường đại học mình mơ ước tăng học phí. “Học phí ngành Y vốn đã rất cao, thời gian học lại dài, những năm gần đây đều liên tục tăng. Em nghĩ không ít bạn sẽ không thể chi trả nổi với mức tăng như vậy. Em hy vọng các trường xem xét cân nhắc lại việc tăng học phí để hỗ trợ cho sinh viên”, Trần Huyền My bày tỏ.

Nỗi lo vận động học sinh trở lại trường

Từ thực tế của trường vùng khó, thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) trăn trở bởi việc tăng học phí thời điểm này rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến việc tới trường của học sinh, nhất là những gia đình đông con ở miền núi. Ở THCS, nhiều em phải đi làm thêm để kiếm sống và phụ giúp gia đình ngoài giờ đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng và có nguy cơ bỏ học ở miền núi và những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn cao hơn vùng thuận lợi. Nay thêm gánh nặng về học phí, tỷ lệ và nguy cơ này sẽ nhân lên.

“Mặc dù đã có chính sách cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập, nhưng những gia đình thuộc diện này không nhiều. Trong khi đại đa số gia đình ở vùng trường chúng tôi đóng đều khó khăn về kinh tế nên nguy cơ phải bỏ học giữa chừng là rất cao”.

Chia sẻ điều này, thầy Lê Xuân Thiều đồng thời nhắc đến một trong những thách thức không nhỏ, cũng là vấn đề đau đáu của các thầy cô vùng khó là vận động học sinh trở lại trường. Nguyên nhân do phong tục tập quán như tệ nạn tảo hôn, bố mẹ khó can thiệp vào việc đi học của con em. Tiếp đó, học sinh phải rời buôn làng đi làm ăn xa để kiếm sống, việc tiếp cận các em rất khó chứ chưa nói đến vận động trở lại trường.

Ngoài ra, chế độ giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường tại địa phương cũng khó khăn. Nhiều em tốt nghiệp cử nhân nhưng không có việc làm. Từ đó, không ít học sinh và gia đình nảy sinh suy nghĩ: Học hay không cũng vậy, vẫn là làm nương rẫy hoặc làm thuê làm mướn. Cũng có một số em do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên không thể duy trì việc học.

“Mặc dù, nhà trường và các thầy, cô giáo biết rõ nguyên nhân nhưng để vận động các em trở lại trường thì chỉ tiếng nói, việc làm, nỗ lực của các thầy cô thôi không đủ. Để các em có thể yên tâm trở lại trường, chúng tôi nghĩ cần có cơ chế đặc thù, vừa giúp phát triển kinh tế gia đình, nâng cao dân trí, đồng thời hỗ trợ sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định, cũng như giúp trẻ đang đi học vượt qua các khó khăn”, thầy Lê Xuân Thiều nêu quan điểm.

Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (lớp 12A10 - Trường THPT Ân Thi) dự định thi vào Trường ĐH Mở Hà Nội. Chi phí học ngành Quỳnh chọn vốn đã khá lớn, năm nay học phí có thể sẽ tăng thêm nên nữ sinh băn khoăn có nên tiếp tục lựa chọn trường này hay không. Theo Quỳnh, tăng học phí ảnh hưởng tới định hướng chọn trường; vì trường tốt, phù hợp, nhưng học phí quá cao sẽ có những gia đình học sinh không thể đủ khả năng chi trả.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-hoc-phi-khoang-lang-hau-covid-19-amFXS0C7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-hoc-phi-khoang-lang-hau-covid-19-amFXS0C7R.html
Bài liên quan
Cần miễn giảm học phí cho đối tượng chính sách mới
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu, trình Chính phủ ban hành văn bản tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng học phí - khoảng lặng hậu Covid-19