Thời sự

Tăng niềm tin của người dân vào thành công chuyển đổi số quốc gia

10/07/2024 20:52

Nhận thức, hành động của các cấp, ngành, nhân dân về chuyển đổi số thay đổi rõ rệt. Niềm tin vào thành công chuyển đổi số quốc gia được nâng lên.

Chiều 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

chuyen doi so1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ GD&ĐT đã phát huy vai trò thường trực trong các nhiệm vụ về GD-ĐT

Theo báo cáo tình hình, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06/CP và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, với 656 nhiệm vụ phải hoàn thành theo lộ trình, đến nay, đã hoàn thành 244 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ.

Nhận thức, hành động của các cấp, ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng đã có sự thay đổi rõ rệt. Các cấp, các ngành, địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh, an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số quốc gia được nâng lên.

Nhiều tiện tích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn.

Các giải pháp phát triển kinh tế xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như: truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực an sinh, bảo hiểm, y tế...; đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Từ dữ liệu gốc dân cư đã đẩy mạnh xác thực làm sạch dữ liệu, hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và ngày càng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Riêng lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phát huy vai trò thường trực trong các nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo, điển hình: Chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2024; ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai tới 63 địa phương.

Với dịch vụ công “đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng”: Đây là năm thứ 3 triển khai dưới hình thức đăng ký trực tuyến, trong kỳ thi năm 2024, đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi thành công; trong đó 1.029.678 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm tỷ lệ 96,11%, tăng 0,3% so với năm 2023, tiết kiệm 297,3 tỷ đồng.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai thu thập thông tin lịch sử thường trú của thí sinh, phục vụ khai thác dữ liệu dân cư thay thế cho giấy xác nhận cư trú, phục vụ xét ưu tiên theo nơi cư trú. 236.000 thí sinh thuộc diện xét ưu tiên theo nơi cư trú đã được tổng hợp gửi Bộ Công an rà soát, bổ sung thông tin.

chuyen doi so2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu; giao Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia để thống nhất triển khai trong thời gian tới.

Thủ tướng đánh giá về các kết quả đạt được; nêu vấn đề còn tồn tại hạn chế, nhiệm vụ chậm tiến độ và khái quát một số bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số.

Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò động lực phát triển, động lực tăng trưởng của chuyển đổi số; tập trung xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...

Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024. Yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024.

Nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cũng được Thủ tướng giao cụ thể cho các bộ, ngành tại phiên họp.

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực hơn. Kết quả mang lại thiết thực hơn, tích cực hơn, thuyết phục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng niềm tin của người dân vào thành công chuyển đổi số quốc gia