Giáo viên môn mới Chương trình GDPT 2018 đang thiếu nên trường sư phạm tăng tốc đào tạo. Ảnh: Quốc Ngữ |
Bên cạnh thuận lợi, theo chia sẻ của lãnh đạo các trường đào tạo sư phạm, việc đào tạo theo đặt hàng của địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Giáo sinh theo học dù được cấp học bổng, ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình học nhưng đầu ra lại bị “tắc” do vẫn theo quy định tuyển dụng viên chức chung, không có trường hợp ngoại lệ hay đặc cách.
Về chỉ tiêu đào tạo sư phạm, các trường đã liên hệ với sở GD&ĐT trong vùng nhưng chưa nhận phản hồi. Do đó, nhiều đơn vị không có chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đơn cử như Trường ĐH Bạc Liêu, năm 2023 không tuyển sinh ngành sư phạm hệ đại học (đang xem xét đề án tuyển sinh đại học Giáo dục Tiểu học). Theo lãnh đạo nhà trường, năm 2022, trường được cấp mã đào tạo 4 ngành sư phạm: Toán, Hóa, Sinh, Giáo dục Mầm non. Tuy nhiên, sau khi bảo vệ các chỉ tiêu, nhà trường chỉ được đào tạo Sư phạm Hóa với 15 chỉ tiêu, còn lại không đủ điều kiện theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm cũng gặp khó giữa địa phương và nhà trường. Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, trường kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét sớm cấp bổ sung kinh phí về sinh hoạt phí khóa tuyển sinh năm 2021 và năm 2022 cho nhóm sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Khoảng 300 sinh viên đăng ký hưởng chính sách của tỉnh Long An và Vĩnh Long nhưng địa phương không đặt hàng nên trường gặp khó về kinh phí để chi trả cho hoạt động đào tạo.
Trao đổi về công tác đào tạo giáo viên tại Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho hay: Cần xem xét và đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên mới tuyển dụng, nhất là nhóm giáo viên tuyển từ năm 2020 trở về sau để đảm bảo việc bồi dưỡng đạt được kết quả đồng bộ, tránh độ vênh trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đặc biệt, cần xây dựng đề án tổng thể hoặc chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên dựa trên các kết quả nghiên cứu thực trạng, nhất là kết quả dự báo để có thể đảm bảo sự phát triển bền vững. Điều cần chú ý là các dữ liệu nên được số hóa để quản lý dài lâu, tính kết nối và nhất quán khi đầu tư…
Theo lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường đã chi trả cho sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ với mức 3.630.000 đồng/tháng/người. Trong năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tỉnh Long An đã trích hơn 2 tỷ đồng đặt hàng đào tạo 66 sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh 2021 đang theo học tại trường.