(GDTĐ) - Dịp Tết Giáp Thìn 2024, nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn đến Việt Nam khám phá và trải nghiệm nét văn hóa truyền thống, tạo sự khởi sắc, bứt phá cho du lịch Việt Nam.
Những tín hiệu tích cực
Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tính từ ngày 8/2 đến 14/2/2024 (tức từ 29 đến mùng 5 Tết âm lịch), ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45-50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4-5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày mùng 3, 4 Tết).
Lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều địa phương. Đà Nẵng ước đón 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP Hồ Chí Minh ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…
Nguyên nhân lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng là nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng lại cơ cấu thị trường khách du lịch cùng sự nỗ lực, chủ động, tích cực của các doanh nghiệp du lịch, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Dịp Tết Nguyên đán, khách du lịch có xu hướng chọn lựa các điểm đến di sản, tâm linh, văn hóa nổi tiếng tại các địa phương. Các điểm đến ở vùng núi phía Bắc cũng thu hút đông khách vì khu vực này bắt đầu vào mùa đẹp nhất khi hoa mận, hoa mơ, đào rừng nở rộ. Xu hướng du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình, tự đặt dịch vụ tại điểm đến gia tăng.
Để thu hút du khách, một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách “xông đất”, tạo hứng khởi cho khách du lịch ngày đầu năm mới. Nhiều khu, điểm du lịch tổ chức các chủ đề đặc sắc như “7 ngày tết 7 chủ đề” tạo nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho du khách. Một số sản phẩm du lịch sáng tạo, kết hợp công nghệ cao (công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D, thực cảnh,…) đã thu hút lượng lớn người dân, du khách tham quan, trải nghiệm...
Khắc phục hạn chế, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách
Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 diễn ra khá suôn sẻ, gần như không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm đến ổn định; công tác niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai đầy đủ. Công tác vệ sinh môi trường đảm bảo, mang lại dấu ấn đẹp về điểm đến đối với du khách.
Tuy nhiên ở một số nơi, do lượng du khách đến các điểm tham quan, dâng hương tại các di tích, danh thắng, các đền, chùa, phủ quá đông, nên mặc dù chính quyền cũng như các lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng vẫn diễn ra hoạt động bán hàng rong, hàng ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng xả rác bừa bãi ở nhiều điểm du lịch. Mặt khác do nhu cầu của người dân về chỗ gửi xe ô tô, xe máy nên tại nhiều di tích, danh thắng, điểm vui chơi đã hình thành nên bãi trông xe tự phát.
Bên cạnh đó, còn một số hình ảnh nhếch nhác chưa xứng tầm được du khách phản ánh như, vẫn còn những đôi dép bị cắt mũi trên những chuyến xe giường nằm, các trạm dừng thiếu về số lượng, trong khi trạm dừng được xây dựng hoành tráng, hiện đại nhưng thiếu các ổ cắm điện cho du khách sạc điện thoại. Nhà vệ sinh không được dọn dẹp thường xuyên...
Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tháo gỡ những rào cản đối với du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các địa phương cần chú trọng xây dựng sản phẩm độc đáo, đặc trưng, tăng cường liên kết. Cần quan tâm đến việc xây dựng điểm đến an toàn, xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập để góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam cất cánh.