Kiểm định chất lượng giáo dục chính thức được luật hóa ở Việt Nam cách đây 20 năm, tại Luật Giáo dục 2005.
Đến nay, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định hoạt động của các trường là điều tất yếu phải làm, nhằm mang lại điều kiện dạy và học tập tốt nhất, nâng cao chất lượng giáo dục. Mới nhất, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tiếp tục khẳng định coi trọng chất lượng; việc đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn thống nhất của quốc gia làm căn cứ cho chính sách, đầu tư tiếp tục cần phải có; và yêu cầu thực hiện trung thực, khách quan, cải tiến chất lượng liên tục.
Hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được thực hiện theo các Thông tư: Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT (đều ban hành ngày 22/8/2018) và Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10/12/2024, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo 3 Thông tư nói trên.
Triển khai các Thông tư là cơ sở để nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.
Quy trình kiểm định được thực hiện theo các bước: Tự đánh giá; đánh giá ngoài; công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hội đồng tự đánh giá do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập. Sở GD&ĐT có trách nhiệm thành lập đoàn đánh giá ngoài, triển khai các bước trong quy trình đánh giá ngoài. Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định cấp Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo cấp độ nhà trường đạt được.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến 31/5/2024 có 97,9% cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá; 63,7% cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; 59,5% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia. Sự gia tăng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng như sự quyết tâm, cố gắng của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác kiểm định các nhà trường mầm non, phổ thông vẫn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế: Thiếu và yếu của đội ngũ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục; công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng ở nhiều trường chưa thực chất, hiệu quả; triển khai đánh giá ngoài chưa đồng đều giữa các địa phương; nhiều báo cáo tự đánh giá, báo cáo đánh giá còn hình thức, thiếu chất lượng...
Sở/phòng GD&ĐT chưa thực hiện thường xuyên việc kiểm tra trước, trong và sau kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Chưa có chế tài xử lý cơ sở giáo dục không thực hiện công tác tự đánh giá, việc cải tiến chất lượng sau đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục; chế tài chưa đủ mạnh để xử lý cơ sở giáo dục làm chưa tốt...
Từ kinh nghiệm thực tiễn, nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục khẳng định tầm quan trọng của bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ về công tác kiểm định; tránh làm cho xong mà không có tác dụng cải tiến chất lượng.
Đặc biệt, nhà trường cần được quan tâm, tạo điều kiện nguồn lực để cải tiến chất lượng sau đánh giá (như bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất…). Cán bộ, giáo viên, trong đó có đội ngũ làm kiểm định phải thực sự tâm huyết, nhìn nhận khách quan điểm mạnh - yếu của trường mình để đưa biện pháp tích cực, thực tiễn nhằm cải tiến chất lượng.
Hoạt động kiểm định chất lượng nói chung và công tác tự đánh giá nói riêng là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia, đồng lòng của các cấp quản lý, tập thể nhà trường. Nếu nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng mới có thể hiệu quả. Sự quyết tâm, cam kết thực hiện sẽ tạo động lực cho tập thể cùng hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng GD-ĐT.