Tạo điều kiện tốt nhất dạy khóa lưu học sinh THPT 'đất nước triệu voi'

12/11/2023, 17:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghệ An là địa phương đầu tiên của cả nước tiếp nhận lưu học sinh Lào sang đào tạo chương trình THPT.

31 em được bố trí ở nội trú, sinh hoạt và học tập tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An. Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, các em đã ổn định tâm lý, hòa nhập môi trường mới trong cả học tập và sinh hoạt, giao tiếp với thầy cô, bạn học Việt Nam.

Từng bước hòa nhập

Theo kế hoạch, năm học này, lưu học sinh Lào dành toàn bộ thời gian để học Tiếng Việt, chuẩn bị chính thức bước vào chương trình THPT từ năm 2024 - 2025. Cô Nguyễn Thị Hoài Dung – giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chia sẻ, sau 3 tuần học, các em đã quen dần nề nếp học tập và bước đầu nắm ngữ âm Tiếng Việt. Một số em nói được câu dài, còn lại phát âm từng tiếng đơn giản.

Trước đó, cô Dung có nhiều năm dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào khi sang Nghệ An, nhưng theo chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Đây là lần đầu tiên cô dạy học sinh độ tuổi THPT nên quá trình dạy học có sự điều chỉnh cho phù hợp.

“Học sinh Lào có đặc điểm chung là ngoan, chăm chỉ, chịu khó học tập. Để học Tiếng Việt hiệu quả, giáo viên cần coi các em như con cái, vừa dạy học, vừa giao tiếp, động viên, khích lệ. Điều thuận lợi là nhà trường và thầy cô, học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An quan tâm, tạo mọi điều kiện để các em được học tập, giao tiếp”, cô Dung chia sẻ.

Thời gian đầu, Sauphaphone Sorbounlay (tỉnh Khăm Muộn, Lào) gặp nhiều khó khăn trong phát âm tiếng Việt. Nhưng được cô giáo động viên “không ngại”, “nói sai thì sửa”, dần dần em giao tiếp nhiều hơn. Qua 3 tuần, nữ sinh này có thể đọc hoặc nói một câu dài Tiếng Việt. “Học ở đây em thấy rất vui. Em cảm ơn các thầy cô và bạn học Việt Nam nhiều lắm”, Sauphaphone Sorbounlay nói.

Thầy Lô Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An – trực tiếp phụ trách quản lý học tập, sinh hoạt và thường xuyên trò chuyện, động viên học sinh Lào.

Trước đó, thầy Bình từng sang Lào tham gia chương trình tập huấn, học tiếng Lào. Bản thân thầy là người dân tộc Thái nên có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ với tộc người chính ở đất nước triệu voi, do đó thầy khá am hiểu và có thể giao tiếp với học sinh Lào mà không gặp trở ngại.

Theo thầy Bình, thời gian đầu học sinh Lào xa gia đình, quê hương, đất nước đến môi trường mới không tránh khỏi bỡ ngỡ, khép mình. Hiểu được tâm lý này, thầy đã nói chuyện thân tình, cởi mở với các em; chia sẻ về việc cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bởi đó là điều vô cùng đáng quý. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập, thầy Bình khuyên các em cởi mở, tiếp thu học hỏi điều tốt đẹp, tiên tiến của nền văn hóa, giáo dục khác.

Thời gian học tập ở Việt Nam của các em rất dài, gồm 1 năm học tiếng, 3 năm THPT và có thể còn tiếp tục học lên đại học, thạc sĩ rồi quay về quê hương làm việc, cống hiến. Các em là những cá nhân ưu tú, đại diện của 1 tỉnh ở đất nước Lào sang Việt Nam.

Lưu học sinh Lào cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn mới tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn
Lưu học sinh Lào cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn mới tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn

Thúc đẩy quan hệ hợp tác

Trước đó, thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã triển khai chủ trương hợp tác đào tạo học sinh 6 tỉnh của Lào học cấp THPT tại Nghệ An từ năm học 2023 - 2024. Điều này vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ vừa góp phần hỗ trợ các tỉnh bạn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Thực hiện chủ trương này, ngày 2/10, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức Lễ tiếp nhận đào tạo chương trình THPT cho học sinh các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, năm học 2023 – 2024. Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 là đơn vị tiếp nhận, bố trí ăn ở và địa điểm học tập tại trường cho 31 em đến từ 6 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Viêng Chăn, Sa Vẳn Na Khẹt và Khăm Muộn.

Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 có đội ngũ giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết trong chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh. Đồng thời có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện để lưu học sinh Lào thuận lợi trong sinh hoạt, đảm bảo và phát huy khả năng học tập.

Thầy Hồ Quốc Việt – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho hay, dù thời gian tiếp nhận học sinh mới 1 tháng, nhưng đến nay các em đã ổn định việc học tập, sinh hoạt, hòa đồng với học sinh của trường. 31 lưu học sinh Lào đang học Tiếng Việt với giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An với thời lượng 8 tiết/ngày. Ngoài ra, các em tham gia nhiều hoạt động cùng học sinh nhà trường như học võ, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền và giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Mới đây, Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An đã đến thăm lưu học sinh Lào và làm việc với giáo viên, giảng viên trực tiếp dạy học chăm sóc, quản lý các em tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chuyển lời động viên đến lưu học sinh Lào cố gắng vượt qua thời gian đầu còn bỡ ngỡ, vất vả khi xa gia đình, quê hương đến Việt Nam học tập. Về phía nhà trường, đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em trong học tập, sinh hoạt. Quá trình tổ chức dạy học, chăm sóc, quản lý nếu gặp khó khăn cần sớm báo cáo với Sở để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Sau những trò chuyện thân tình, học sinh Lào được giải tỏa về tâm lý và bắt đầu tự tin, mạnh dạn trong học tập, sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với học sinh của trường. Thực tế, ở độ tuổi THPT, các em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường như một gia đình. Vì vậy, ở trường dân tộc nội trú rất phù hợp.

Phụ huynh của các em qua trao đổi, thông tin với nhà trường cũng yên tâm, tin tưởng. Ngoài sự quan tâm của thầy cô, đội tình nguyện thì học sinh của trường cũng rất tích cực, thân thiện, giúp đỡ các bạn Lào. - Thầy Lô Thanh Bình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo điều kiện tốt nhất dạy khóa lưu học sinh THPT 'đất nước triệu voi'