Các trường học đã lưu ý giáo viên cần đổi mới phương pháp đánh giá, làm sao để tạo động lực cho học sinh có ý thức hơn trong học tập...
Chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, trong nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn các trường học đã lưu ý giáo viên cần đổi mới phương pháp đánh giá, làm sao để tạo động lực cho học sinh có ý thức hơn trong học tập.
Tập thể lớp 11/7, Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã thiết kế “App Adroid hỗ trợ rèn luyện toán 11”. Ứng dụng này được sử dụng để ôn luyện kiến thức trong mỗi bài học theo chương trình, sách giáo khoa Toán 11, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống. Tương ứng với mỗi bài học, phần mềm sẽ đưa ra ngẫu nhiên 10 câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi có sẵn trên App theo hình thức trắc nghiệm chọn một phương án đúng.
Sản phẩm đã đoạt giải Nhất trong Hội thi thiết kế đồ dùng học tập môn Toán do Trường THPT Võ Chí Công tổ chức. Ngoài hỗ trợ học tập môn Toán hiệu quả cho học sinh, các thầy cô có thể sử dụng phần mềm như một phương tiện kiểm tra, đánh giá học trò thông các chủ đề luyện tập. Phần mềm còn cho phép người dùng tự chọn nội dung học tập theo sở thích và nhu cầu cá nhân, đơn giản hóa việc học môn Toán, cá nhân hóa kiến thức, tạo điều kiện cho quá trình học tập trở nên thú vị và hiệu quả hơn.
Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) cải tạo mảnh đất trống để xây dựng Khu hoạt động trải nghiệm. Khu đất được chia thành từng ô nhỏ giúp học sinh thực hiện các dự án học tập liên môn.
Mỗi nhóm có khoảng 6 - 8 học sinh cùng làm một dự án trồng một số loại rau, củ quả…; tự lựa chọn giống cây, cách gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình thực hiện, các nhóm phải lưu lại nhật ký. Ngoài thành phẩm cuối cùng là số lượng rau, củ, quả thu hoạch được và doanh số bán hàng, các dự án phải xây dựng video thuyết minh bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để chia sẻ kinh nghiệm.
Tròn một chu kỳ thực hiện Chương trình GDPT 2018, thầy cô giáo các cấp học đều có sự thay đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực học sinh. Phụ huynh, học sinh và xã hội bắt đầu có sự thích ứng với làn gió mới của giáo dục; đó là đích cuối của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn cả là các em có kỹ năng gì, làm được gì sau việc học.
Và để làm được điều này, học sinh phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học. Mỗi tiết học trên lớp, người dạy và học có thể đi xa hơn những gì có trong sách giáo khoa. Những kiến thức không còn quá khó ghi nhớ với học sinh khi được vận dụng ngay trong cuộc sống của các em.
Thầy Phan Bá Lê Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Lắk) cho rằng, dạy học hướng tới phát triển năng lực của học sinh yêu cầu giáo viên phải luôn ghi nhớ mình đang dạy 40 - 45 học sinh/lớp chứ không phải dạy 1 lớp/40 - 45 em. Qua đó, tạo động lực, đam mê học tập, phát huy được phẩm chất, năng lực riêng từng em.
Chất lượng dạy - học môn Toán tại Đắk Lắk đang ở mức báo động, thể hiện qua phổ điểm trung bình của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần nhất đều rất thấp. Đặc biệt, gần 2.000 điểm liệt trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 khiến thầy Lê Hiền trăn trở và đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này ở cấp THPT.
Theo thầy Lê Hiền, giáo viên phải nắm vững tinh thần, chương trình môn Toán THPT. Từ đó, trong quá trình giảng dạy cần giúp người học làm chủ kiến thức toán học phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và nâng cao khả năng tự học.
Đưa các bài học “khô cứng” hướng đến sự mềm mại, giúp học sinh biết cách suy luận, giải quyết vấn đề tốt nhất theo chiều hướng “sử dụng càng ít kiến thức càng tốt”. Về phía nhà trường, cần tập trung vận dụng, sáng tạo các nguồn thiết bị dạy học sẵn có và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất để tiếp sức thầy cô trong đổi mới dạy học.
Thầy Đoàn Văn Hân - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đắk Lắk) cho rằng, với bộ môn Ngữ văn ở Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần linh hoạt trong việc thiết kế tổ chức bài dạy và phát huy tính thực hành cho học sinh.
Như môn Ngữ văn lớp 10, có những bài giáo viên dành thời gian cho học sinh tự tìm hiểu, khám phá văn bản rồi thuyết trình, thảo luận và kết luận nội dung, rút ra thông điệp của tác phẩm.
Ngoài việc cho học sinh chủ động thuyết trình trên lớp, giáo viên cần khuyến khích các em thực hành ở nhà bằng các bài viết với nhiều góc nhìn khác nhau. Sau đó chia sẻ trên các nền tảng xã hội như: Trang web trường, Zalo, Facebook nhóm… Điều này sẽ gợi cảm hứng và tạo điều kiện giúp học sinh có cơ hội thực hành, trải nghiệm cảm xúc, huy động kiến thức một cách chủ động, tích cực.
Mô hình lớp học đảo ngược được nhiều giáo viên ứng dụng trong dạy học với Chương trình GDPT 2018. Cô Phạm Thị Ái Vân - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết: “Giáo viên giao việc cho học sinh chuẩn bị trước ở nhà như thiết kế biểu đồ, hình ảnh tự sưu tập…
Vì vậy, giờ học trên lớp, các em tham gia với tâm thế chủ động. Chưa kể bài học được mở rộng, có thêm nhiều hình ảnh, kiến thức tóm tắt bằng những ý chính… nên lôi cuốn học sinh”. Giáo viên gần như đóng vai trò người dẫn đường, đưa ra những khái niệm, giải đáp thắc mắc và chốt lại kiến thức chính.
Thầy Đoàn Văn Hân cho rằng, sau tiết học, giáo viên có thể nêu nhiệm vụ để học sinh về nhà trình bày cảm nhận, góc nhìn của mình đối với tác phẩm. “Điều này sẽ khích lệ khả năng tự đọc, khám phá, trải nghiệm cho học sinh một cách chủ động, khai phóng.
Để thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, giáo viên quán triệt tư tưởng nhân văn, đề cao giá trị cốt lõi, thuần phong mỹ tục, không sa đà, tiêu cực, phản cảm, lệch lạc”, thầy Hân chia sẻ và bày tỏ quan điểm: Để dạy và học môn Ngữ văn hiệu quả, thầy và trò phải có khát vọng thay đổi, khám phá tác phẩm với tinh thần tôn trọng góc nhìn, trải nghiệm cảm xúc người đọc.
Thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết: “Trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2024 - 2025, chúng tôi chú trọng đến đổi mới kiểm tra - đánh giá theo hướng tiếp cận đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó ở tất cả khối lớp để học sinh dần thích ứng với những yêu cầu đổi mới. Mỗi bộ môn đều xây dựng ngân hàng đề bám sát định dạng đề mô phỏng cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để áp dụng trong kiểm tra - đánh giá với tất cả khối lớp”.